1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghị quyết 120 mang lại "sức đề kháng" cho Đồng bằng sông Cửu Long

(Dân trí) - Nghị quyết 120 đang được các địa phương vùng ĐBSCL triển khai thực hiện. Nhà khoa học, lãnh đạo địa phương, người dân đều cho rằng nghị quyết này giúp Đồng bằng khỏe hơn, có sức chống chịu nhiều hơn.

Biến đối khí hậu không có ranh giới hành chính

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Hậu Giang cho rằng phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH không chỉ là vấn đề của Chính phủ, các Bộ ngành, hay của từng địa phương mà là vấn đề của tất cả địa phương trong khu vực.

Theo ông Châu, một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả là do một số địa phương đã gặp phải vấn đề "xung đột lợi ích", địa phương nào cũng muốn bứt phá nên xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa địa phương trong khu vực với nhau.

Nghị quyết 120 mang lại sức đề kháng cho Đồng bằng sông Cửu Long - 1
Ông Lê Tiến Châu- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Tuy nhiên, BĐKH là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, thông qua hành động tập thể. Do đó, 13 tỉnh ĐBSCL cần nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau với phương châm "muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau".

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL: Các vấn đề của ĐBSCL có thể xếp thành ba nhóm, một là biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hai là tác động từ phía thượng nguồn lưu vực Mekong gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn, nhất là hiện tượng thời tiết cực đoan và tác động của thủy điện, và ba là các vấn đề phát triển thiếu bền vững ở nội tại ĐBSCL.

Trong một loạt vấn đề nghiêm trọng của ĐBSCL có rất nhiều vấn đề không phải do biến đổi khí hậu gây nên. Thay vì chăm chú vào vật lộn với những vấn đề trên, chỉ cần chuyển hướng theo tinh thần Nghị quyết 120 thì rất nhiều chuyện hiện nay là vấn đề sẽ tự động không còn là vấn đề nữa.

Ví dụ, giảm bớt một vụ lúa vào mùa lũ và thay bằng sinh kế khác tận dụng mùa lũ thì chúng ta đâu cần "oằn mình" chống lũ nữa. Nếu không cố trồng lúa mùa khô ven biển một cách mong manh như hiện nay mà chuyển sang thuận theo mùa mặn ngọt thì không cần phải "oằn mình" chống lũ mỗi mùa khô đến.

Nghị quyết 120 mang lại sức đề kháng cho Đồng bằng sông Cửu Long - 2
Do biến đổi khí hậu nên mùa khô 2020 Kênh Tham Thu, ngay trạm bơm Bình Phan, xã Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cạn trơ đáy.

Thay vì làm ra thật nhiều sản lượng nông nghiệp, chúng ta nên tập trung gia tăng giá trị thông qua chọn giống, gia tăng chế biến sâu, giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, và vươn tới thị trường tốt hơn, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường giá trị thấp.

Thuận thiên không có nghĩa là không can thiệp nhưng điều quan trọng là phải hiểu quy luật tự nhiên, bớt chống thiên nhiên để bớt vất vả quanh năm chống nọ chống kia mà còn phải trả giá đắt. Có thể chúng ta vẫn cần những công trình cỡ nhỏ, để điều tiết vào những lúc giao mùa mặn-ngọt.

"Cái mà tất cả chúng ta, kể cả người dân và lãnh đạo địa phương, cần làm là hiểu sâu sắc Nghị quyết 120. Cái vướng lớn nhất sẽ là quán tính tư duy cũ, chỉ thấy vấn đề hiện tại và vật lộn với vấn đề để duy trì cho được lối đi cũ bằng mọi giá thay vì đầu tư cho con đường mới, tầm nhìn mới. Quá trình chuyển hướng sang con đường mới cũng cần thời gian, diễn ra êm ái, tránh nóng vội làm ồ ạt", ông Thiện nhấn mạnh.

Nâng tầm dự báo để hoạch định chính xác các giải pháp

Ông Lê Tiến Châu cũng cho rằng: "Để thích ứng với BĐKH, chúng ta cần phải hiểu và dự báo được những gì sẽ xảy ra và hệ quả của nó, để hoạch định chính xác các giải pháp. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có một nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế về tình trạng BĐKH của vùng, truyền thông sâu rộng đầy đủ kết quả nghiên cứu, để từ đó các địa phương và người nhân có cái nhìn đầy đủ, toàn diện, biện chứng, khoa học, rõ ràng hơn về tình trạng BĐKH và hệ quả của nó đối với ĐBSCL".

Nghị quyết 120 mang lại sức đề kháng cho Đồng bằng sông Cửu Long - 3

Một nông dân dân ở ĐBSCL ngồi bần thần giữa ruộng lúa nứt nẻ do biến đổi khí khí hậu.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: "Chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. Cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp nước ngoài - về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn.

Từ đó, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó. Bây giờ chúng ta mới thấy vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp có công nghiệp chế biến và có khả năng tiêu thụ nông sản, không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 120".

Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 đến nay, việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn An Giang đã được thực hiện đồng bộ, tập trung hơn, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực phát triển cho toàn bộ ĐBSCL chung và An Giang nói riêng đã được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, mang tính chiến lược.

Giai đoạn 2017-2020, An Giang đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây rau, màu và cây ăn quả với tổng diện tích trên 25.000 ha. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản được quy hoạch đến năm 2020 là 4.917 ha để phục vụ Dự án nuôi thủy sản quy mô tập trung áp dụng công nghệ cao.

Nghị quyết 120 lấy con người làm trung tâm

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, Nghị quyết 120 mang tư tưởng rất tiến bộ và đạt tầm thông thái. Nếu chúng ta xét tháp kiến thức có 4 tầng gồm: dữ liệu, thông tin, kiến thức, và thông thái thì trước đây chúng ta đối xử với ĐBSCL chủ yếu ở tầm thông tin-kiến thức.

Nghị quyết 120 mang lại sức đề kháng cho Đồng bằng sông Cửu Long - 4
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện-chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Chúng ta đã dùng thông tin-kiến thức về diện tích các loại đất, mực nước lũ, phạm vi xâm nhập mặn, v.v để đưa ra đối sách cũng ở tầm thông tin-kiến thức. Cách đó dẫn đến cách đối xử với vùng châu thổ này một cách khá cơ học, phân mảnh chứ chưa có một triết lý ở tầm cao hơn-tầm thông thái cho sự phát triển của đồng bằng để đối xử với đồng bằng như là một "cơ thể sống" có hệ thống vận hành nhất thể, trong đó có các cơ quan, hệ tuần hoàn, mạch máu, có nhịp thở, nhịp tim và có sức khỏe tổng thể.

Nghị quyết 120 lấy con người làm trung tâm của sự phát triển chứ không phải lấy sản xuất, sản lượng làm trung tâm. Như vậy Nghị quyết 120 xem đồng bằng là một nơi trước hết là nơi sinh sống, kèm theo là nét văn hóa sông nước độc đáo chứ không chỉ là một "nông trại" lớn. 

Theo đó, Quy hoạch tích hợp cấp vùng lần này cũng nhắm tới mục đích đồng bằng là nơi đáng sống, người dân có thu nhập cao hơn mặt bằng cả nước, văn hóa sông nước được duy trì, thiên nhiên được phục hồi. Nơi đáng sống thì người đồng bằng không phải bỏ xứ, tha hương nữa.

Theo tinh thần này thì sự phát triển kinh tế và duy trì sức khỏe cho ĐBSCL dài lâu không hề mâu thuẫn. Thách thức là làm sao thấy được sự sâu sắc này hàm chứa trong chiến lược của Nghị quyết 120.

 Nghị quyết 120 có thể chưa giải quyết được những thách thức đến từ bên ngoài như tác động của thủy điện làm thiếu phù sa, gây sạt lở và ảnh hưởng dòng chảy. Những việc này đòi hỏi có những biện pháp khác. Nhưng với Nghị quyết 120, sức khỏe đồng bằng sẽ được phục hồi, có khả năng đối phó tốt hơn với những ảnh hưởng đến từ bên ngoài.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm