Nghi nhiễm AIDS, cháu bé 30 tháng tuổi suýt bị đuổi khỏi làng
Đó là bé gái ở Thị tứ Khê Thanh Trạch - Bố Trạch, Quảng Bình. Mọi chuyện bắt đầu từ khi bố của bé qua đời sau một thời gian dài bị bệnh “lạ”. Dân trong vùng đã nghi ngờ về cái chết “bí ẩn” này.
Khi đang sống, anh nói rằng mình bị suy tuỷ, và mỗi lần bị nặng, là anh vào TPHCM điều trị một thời gian, sau đó trở về. Bệnh của anh T. không hề thuyên giảm và anh đã ra đi khi đứa con đầu lòng Lê Thị Nhã vừa mới mấy tháng tuổi.
Được một thời gian, mẹ của bé (chị N.T.T.N) sức khoẻ tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Chị N. luôn tin tưởng chồng mình và không mảy may nghi ngờ chồng mình mắc phải căn bệnh thế kỷ AIDS.
Chị cứ chạy chữa thuốc thang theo lối thông thường, và mãi đến khi không thể cứu vãn được nữa chị mới tin rằng mình cũng đã bị căn bệnh quái ác trên đang dần cướp đi mạng sống... Xác của chị được đưa về làng (14/5/2005) trong sự xót xa của tình làng nghĩa xóm. Mọi người đều cùng chung tay vào lo cho đám tang của chị được mồ yên mả đẹp.
Nhưng rồi, người ta nghe phong thanh rằng, chị mang bệnh AIDS, và bao người tham gia khâm liệm, đón đưa quan tài chị giật mình và... hoảng. Họ hoang mang, họ xôn xao, và nhìn vào ngôi nhà ấy với ánh nhìn đề phòng xen lẫn sợ hãi.
Giờ bé Nhã đang sống với bà ngoại. Bà Phạm Thị Liệu (bà ngoại của bé Nhã) nghẹn ngào, tủi hổ: “Họ đã đến đây, họ nói với tôi phải đưa con bé đi không thì cả xóm này bị ô nhiễm. Họ còn bảo, nay mai đây rồi số phận của con bé cũng sẽ chẳng hơn gì bố mẹ nó và lúc đó ngôi nhà này chẳng một ai đến đặt chân...”.
Bà khóc. Bé Nhã cũng khóc theo. Bà Phạm Thị Toan, chị của bà Liệu, người thường xuyên đến đây trong những ngày này để động viên, chia sẻ cùng bà Liệu vượt qua nỗi đau, bức xúc: “Nó có tội tình gì đâu. 30 tháng tuổi làm gì nên tội. Bố mẹ nó khi đang sống cũng có làm hại ai bao giờ. Với nỗi đau mất mát này, gia đình tôi gánh chịu như thế chưa đủ sao? Bao điều tiếng, bao lời xúc xiểm trong lúc này quả thực chúng tôi không chịu nổi thêm được nữa”.
Bà Liệu, nước mắt lưng tròng, sụt sùi: “Tôi là đảng viên. Tôi đã được các cán bộ Y tế cung cấp tài liệu về phòng chống, và chăm sóc bệnh nhân AIDS. Và tôi biết họ có quyền được sống chung với cộng đồng. Thế mà, ở một nơi, là thị tứ, một nơi không thiếu thông tin thế mà họ hành xử với con, với cháu tôi theo lối mông muội như thế”.
Bà Liệu có hai người con, một đang lao động ở Hàn Quốc và một là mẹ của bé Nhã. Giờ, hai bà cháu đang nương dựa vào nhau để sống qua những ngày đau thương này. Bà ôm chặt bé Nhã vào lòng và như tự nói với mình: Không ai có quyền đuổi cháu ra khỏi làng và không ai có thể đưa cháu rời khỏi bà được. Bà lại khóc.
Mới đây, chính quyền thôn Thanh Hải đã có một cuộc họp và có sự giải thích với bà con lối xóm trước sự việc trên. Sở Y tế đã cho người đến gặp gia đình bà Liệu, đề nghị làm xét nghiệm cho cháu Nhã, nhưng bà Liệu đã từ chối với lý do, bà sẽ đưa cháu vào TPHCM với gia đình bên nội của cháu, như thế có vẻ “ổn” hơn.
Theo Minh Toản
Tiền Phong