1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nghỉ làm mắm tôm thì lấy gì mà ăn?”

(Dân trí) - Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) là một trong những địa phương nổi tiếng với sản phẩm mắm tôm. Mấy ngày gần đây, dịch tiêu chảy cấp bùng phát mạnh, nhưng các hộ sản xuất ở đây vẫn hồn nhiên: “Nghề chính, nghỉ thì lấy tiền đâu? Mà nếu chết thì chúng tôi chết đầu tiên chứ!”.

“Có chết thì chúng tôi chết đầu tiên”

 

Chị Dương Thị Lài, một chủ cơ sở làm mắm tôm ở khối 5, phường Nghi Thuỷ, thản nhiên: “Chúng tôi vẫn chấm cà với ruốc hàng ngày có sao đâu. Mà bao đời nay chả thế. Nhà tui làm nghề này là nghề cổ truyền đấy. Ba đời rồi nhưng chả ai bị sao cả.

 

Cái nghề này hiện là nguồn sống chính của gia đình chúng tôi. Nếu nói bị chết thì dân chúng tôi bị đầu tiên chứ. Tại nơi khác họ pha thêm phẩm màu nên mới bị thôi”.

 

Chị Lài năm nay gần 40 tuổi và đã có thâm niêm 10 năm trong nghề làm mắm tôm. Mắm được làm chủ yếu từ tép biển, trộn cùng muối trắng, ủ trong bể phơi nắng chừng 4 đến 5 tháng là ăn được. Một năm, cơ sở của chị Lài cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn mắm tôm. Trong nhà chị lúc nào cũng có 40-50 thùng ủ mắm.

 

Sáng nay, có mặt ở nhà chị Lài, thấy hàng chục thùng ủ được mở tung, thùng nào cũng đầy ắp, nực mùi. Mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như thể dịch tiêu chảy cấp chưa hề bước chân tới Nghệ An. “Thì mắm tôm bị hỏng ở mô ngoài Bắc chứ ở nhà tui có bị chi mô mà sợ. Không tin chú lấy về thử ăn mà xem”, chị Lài phân bua.

 

“Nghỉ làm mắm tôm thì lấy gì mà ăn?”  - 1

Công đoạn trộn tép với muối được chị Hoa thực hiện ngay

 trên một tấm tải, đặt trực tiếp trên nền đất.

 

Theo lời chị Lài, nhà chị chỉ là một cơ sở nhỏ ở vùng này. Cách nhà chị Lài mấy bước chân là cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Hoa. Lúc chúng tôi đến, chị Hoa đang cùng người nhà trộn tép với muối. Hỏi về vấn đề dịch bệnh, chị cho biết: “Cũng có nghe phường tuyên truyền nhưng ở tui mà không làm nghề ni thì dân sống răng đây. Sáng nay chồng và con tui cũng đã chở mấy tạ mắm lên Vinh bán rồi. Mấy ngày ni lượng bán giảm nên lời lãi cũng chả được bao nhiêu…”.

 

Gia đình chị Hoa theo nghề này đã 5-7 năm nay, cũng là nghề của cha ông để lại. Một năm nhà chị bán 50-70 tấn mắm tôm, chủ yếu là cung cấp cho chợ Vinh và nhiều quán thịt chó trong TP. Trong nhà chị có xấp xỉ 100 thùng ủ ruốc. “Nếu ăn mắm tôm mà chết thì dân Cửa Lò chết đầu tiên”, chị Hoa cười nói.

 

“Không thấy ai cấm đoán gì”

 

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện 19 bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy cấp, thuộc các huyện Quỳnh Lưu (1 người), Nghi Lộc (7 người), TP Vinh (7 người), Hưng Nguyên (3 người) và Cửa Lò (1 người). 

 

Trong số 19 trường hợp trên có một bệnh nhân là sinh viên, đang học tại Hà Nội, mắc vi khuẩn tả khi ăn thịt chó.

Hỏi: “Nhiều hộ dân vẫn sản xuất và bán mắm tôm bình thường, chính quyền có kiểm tra không?”. Chị Lài cho biết: “Mấy ngày ni cũng có nghe phương tiện đại chúng rồi phường thông báo nhưng chưa thấy ai đến kiểm tra và cũng cấm đoán gì nên chúng tôi vẫn bán bình thường”.

 

Ông Võ Văn Tuấn - Phó chủ tịch phường Nghi Thuỷ - thừa nhận: “Công văn chỉ đạo của thị xã Cửa Lò mới đến nên chúng tôi cũng chưa tiến hành kiểm tra. Nhưng chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo đến tận người dân và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch”.

 

Ông Tuấn cũng cho biết, trên địa bàn phường có hơn 40 hộ sản xuất chế biến cá thì hơn 20 hộ là chế biến mắm tôm. Mới đây phường cũng đã tập huấn cho các cơ sở sản xuất này về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

 

Sáng nay, trao đổi với Dân trí, một cán bộ UBND thị xã Cửa Lò cho biết: “Chúng tôi đã lập kế hoạch phòng chống dịch tiêu chảy cấp. Tuy nhiên vì trên địa bàn thị xã Cửa Lò chưa xuất hiện việc mắm tôm gây dịch nên Ủy ban cũng mới chỉ khuyến cáo. Còn hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc xử lý đối với những hộ sản xuất mắm tôm trên địa bàn”.

 

Nguyên Nghĩa - Nguyễn Duy