Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (Ảnh: Duy Thảo)
Theo thống kê chưa đầy đủ trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 11 người chết và mất tích, hàng nghìn gia đình bị ngập lụt, hàng vạn ha hoa màu bị mất trắng... Các ban ngành chức năng 2 tỉnh đang ráo riết ứng cứu, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm...
Nguy cơ vỡ đập thủy điện Hố Hô
Những ngày đầu tháng 10/2010, tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An xuất hiện mưa lớn, nhiều nơi đã ngập sâu trong biển nước. Trong đó, phải kể đến huyện Hương Khê, Vũ Quang của Hà Tĩnh nơi có thủy điện Hố Hô thường trực nguy cơn vỡ khiến cuộc sống của người dân ngày đêm thấp thỏm lo âu.
Để an dân và trước nguy cơ mất an toàn của đập Hố Hô, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình thông báo về tình trạng của nhà máy này để có biện pháp ứng phó; báo cáo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để có giải pháp chỉ đạo đảm bảo an toàn cho công trình cũng như nhân dân. Tỉnh Hà Tĩnh cũng tiếp tục cảnh báo nhân dân vùng thượng và hạ lưu công trình biết tình trạng đập Hố Hô để chủ động trong công tác ứng phó.
Tập trung cứu hộ cứu nạn, phòng chống mưa lũ ở các huyện miền núi (Ảnh: Duy Thảo)
Được biết, cửa đập xả lũ thủy điện Hố Hô cao 78m. Tuy nhiên do lượng mưa từ thượng nguồn đổ về quá nhanh cộng với việc cửa xả lũ gặp sự cố không mở được trong ngày 3/10 nên nước đã tràn qua thân đập hơn nửa mét. Ước tính có khoảng trên 40 triệu m3 nước trong đập đang vẫn vũ phá thân đập, đe doạ trực tiếp đến hàng trăm nghìn hộ dân huyện Hương Khê.
Đến sáng 4/10, cửa xả lũ của đập Hố Hô mặc dù đã hoạt động trở lại và mực nước đe doạ thân đập đã giảm xuống. Nhưng nhiều người dân các xã đang sinh sống dưới chân đập vẫn rất lo lắng khi hai bên chân đập thủy điền này lại xuất hiện những hố sạt lở?.
Thủy điện Hố Hô trước nguy cơ bị vỡ (Ảnh: Văn Dũng)
Ngoài ra do nước lũ tràn qua nhà máy thủy điện Hố Hô nên đã cuốn trôi 01 tổ máy và phá hỏng toàn bộ nhà máy phát điện nằm phía sau đập tràn. Mưa với cường độ lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt trên diện rộng, hiện tại Hà Tĩnh có 20.966 hộ bị ngập, nặng nhất là huyện Hương Khê với 20.000 hộ, Vũ Quang 770 hộ...
Theo đó, 17/22 xã của huyện Hương Khê (trong đó có 5 xã bị cô lập hoàn toàn, thông tin liên lạc bị cắt đứt); 9/12 xã của huyện Vũ Quang bị ngập lụt và cô lập; tuyến đường giao thông Quốc lộ 15A từ Hà Tĩnh đi Hương Khê và Tỉnh lộ 5 từ Đức Thọ đi Vũ Quang bị ngập sâu nhiều vị trí, gây ách tắc giao thông.
Khẩn cấp ứng phó với lũ lên nhanh
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão đối với vùng ngập lũ Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn; kiểm tra công trình hồ thủy điện Hố Hô, làm việc với Ban quản lý nhà máy để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho công trình và đề ra giải pháp phòng lũ cho công trình và vùng thượng, hạ du.
Hàng nghìn ngôi nhà ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang bị ngập trong biển nước (Ảnh: Văn Dũng)
Theo đó, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã phát lệnh sơ tán dân. Tính đến 9 giờ ngày 4/10 đã tổ chức di dời được 3.587 hộ thuộc 17 xã bị ngập lũ của huyện Hương Khê (kế hoạch 7.770 hộ) và 300 hộ thuộc 9 xã bị ngập lụt của huyện Vũ Quang (kế hoạch 1.568 hộ).
Bên cạnh đó, giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động 100 cán bộ, chiến sỹ, 2 xuồng cao tốc, 200 áo phao và 20 nhà bạt; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 100 cán bộ, chiến sỹ và 2 xuồng cao tốc và 100 lực lượng Dân quân tự vệ, Thanh niên xung kích để phối hợp với Ban chỉ huy PCLB huyện Hương Khê, Vũ Quang sơ tán dân bị ngập lụt và bố trí tạm trú cho nhân dân.
Chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân vùng thượng và hạ du công trình biết tình trạng đập Hố Hô để chủ động trong công tác ứng phó. Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo cho học sinh của 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang nghỉ học để tránh nguy hiểm cho học sinh.
Lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp cận được nhân dân các xã bị cô lập và giúp người dân di dời lên những chỗ cao ráo. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của mưa lũ đang gây nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ và cuộc sống của ngươì dân vùng ảnh hưởng.
Nghệ An: Nhiều làng mạc ngập trong nước
Cùng chung với Hà Tĩnh, Nghệ An những ngày qua mưa lớn xuất hiện đã gây ngập lụt nhiều xã của huyện Diễn Châu như Diễn Đoài, Diễn Thái, Diễn Hồng... Nhiều làng mạc nước ngập sâu từ 0,5 - 1m, nhiều tuyến đường liên thôn, xã ngập sâu không thể đi lại...
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, tình hình mưa lũ tính từ ngày 1 - 4/10/2010, trên địa bàn đã có 4 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương, 6 tàu đánh cá bị chìm, ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra khoảng 20 tỷ đồng.
Nghệ An ngập lụt nhiều nơi (Ảnh: Nguyễn Duy)
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã có công điện số 10/CĐ-BCH và TKCN chỉ đạo: Tập trung lực lượng, phương tiện để ứng cứu nhanh các tàu thuyền bị nạn trên biển; chỉ đạo các Công ty, xí nghiệp thủy lợi, các địa phương vận hành hệ thống tiêu úng bảo vệ sản xuất vụ đông...
Sáng ngày 3/10, lũ lên nhanh bất ngờ trên đường đi thăm người thân chị Dương Thị Bảy, 45 tuổi ở xóm Phúc Giang, xã Phúc Thành đã bị nước cuốn trôi đến chiều 3/10, nhân dân trong vùng mới tìm thấy thi thể.
Nhiều xã ở huyện Diễn Châu ngập lụt (Ảnh: Nguyễn Duy)
Cùng ngày em Hoàng Thị Loan (học sinh lớp 7, trường THCS Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An) cùng anh trai và 3 người bạn ra khu vực bờ biển xóm 14, xã Diễn Trung để nhặt ve chai bất ngờ bị sóng biển dâng cao cuốn trôi. Đến chiều ngày 4/10, thi thể của em Loan vẫn chưa được gia đình tìm thấy.
Trước đó, ngày 3/10 tại đập tràn Vân Hà - Mỹ Sơn (huyện Đô Lương) cũng xảy ra vụ chết đuối thương tâm. Nạn nhân là em Đặng Bá Thám (SN 1994, học sinh trường THPT Đô Lương 4) trên đường đi học bị nước lũ cuốn trôi và mất tích.
Danh sách người chết và mất tích tại Nghệ An - Hà Tĩnh 1. Em Bùi Khánh Linh (4 tuổi), xóm Kim Lĩnh, xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị chết đuối. 2. Em Bùi Sỹ Nguyên (3 tuổi), xóm Kim Lĩnh, xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị chết đuối. 3. Anh Trịnh Văn Thú, 45 tuổi, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh (chết đuối). 4. Đoàn Trọng Giáp, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, chiến sỹ Đại đội 17 công binh, BCH Quân sự tỉnh Hà Tĩnh (mất tích). 5. Trần Thị Hoa, giáo viên trường mầm non xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh (mất tích). 6. Nguyễn Văn Thạch, 17 tuổi, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh (mất tích). 7. Chị Dương Thị Bảy, 45 tuổi ở xóm Phúc Giang, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An (chết đuối). 8. Em Hoàng Thị Loan (học sinh lớp 7, trường THCS Diễn Trung, hiện Diễn Châu, Nghệ An (chết đuối). 9. Em Đặng Bá Thám (học sinh trường THPT Đô Lương 4), xóm 3, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An (chết đuối). 10. Ông Trần Văn Khôi, xóm Đông Thịnh, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An (chết do sét đánh). 11. Chị Nguyễn Thị Thu, Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An (chết do sét đánh). |
Nhóm PV Bắc miền Trung