1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An xin “hủy” kế hoạch điều chuyển xe từ Mỹ Đình về Nước Ngầm

(Dân trí) - Kế hoạch điều chuyển 75 lượt xe (các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc) đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm của Sở GTVT Hà Nội đã “vấp” phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp vận tải. Sở GTVT tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn kiến nghị lên Bộ GTVT xin “hủy” kế hoạch điều chuyển này.

Các nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc cho rằng, nếu phải chuyển về bến xe Nước Ngầm hoạt động sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.
Các nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc cho rằng, nếu phải chuyển về bến xe Nước Ngầm hoạt động sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.

Theo Sở GTVT Hà Nội, sở dĩ phải thực hiện việc điều chuyển nói trên là do tuyến đường Vành đai 3 trên cao và đường Phạm Hùng dẫn vào bến xe Mỹ Đình hiện nay thường xuyên xảy ra ùn tắc, giao thông lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông, bức xúc dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều nhà xe liên tỉnh chạy sai luồng tuyến, chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, nhất là trước cổng bến xe Mỹ Đình.

Công văn của Sở GTVT tỉnh Nghệ An gửi Bộ GTVT
Công văn của Sở GTVT tỉnh Nghệ An gửi Bộ GTVT

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc điều chuyển này cũng nằm trong kế hoạch sắp xếp lại luồng tuyến xe khác theo hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, hạn chế xe khách chạy xuyên tâm (trên đường vành đai 3 trên cao) vào thành phố.

1-1468173659367

Công văn của UBND tỉnh Nghệ An

Ông Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa có công văn đề nghị Sở GTVT Hà Nội không thực hiện kế hoạch điều chuyển các xe khách của tỉnh này đang hoạt động tại bến Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm.

Theo công văn của UBND tỉnh Nghệ An, việc điều chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu đi lại của người dân.

Sở GTVT tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn kiến nghị lên Bộ GTVT xin “hủy” kế hoạch điều chuyển này. Theo đó Sở này cho rằng việc điều chuyển sẽ khiến việc sắp xếp các nốt (tài) xuất bến tại các đầu bến xe gặp khó.

Theo công văn của Sở GTVT tỉnh Nghệ An, để tránh tình trạng xe khách chạy xuyên tâm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, Sở này đã đề xuất với Bộ GTVT sửa đổi hành trình hoạt động trên các tuyến vận tải hành khách từ các bến xe thuộc tỉnh Nghệ An đến bến xe Mỹ Đình theo hướng điều chỉnh hành trình đi, đến bến xe Mỹ Đình phải đi theo đường Hồ Chí Minh, không được đi theo hướng quốc lộ 1A – Pháp Vân – Cầu Giẽ - đường vành đai 3 – đường Phạm Hùng – bến xe Mỹ Đình như hiện nay.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Uy – Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: Hiện nay bến xe này đã được mở rộng và không còn tình trạng ùn tắc và quá tải như trước đây. Do vậy, bến xe đề nghị Sở GTVT Hà Nội nên giữ nguyên các tuyến xe phía Nam đang hoạt động ổn định tại bến Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoàn vốn. Từ năm 2004, khi Bến xe Mỹ Đình vắng khách, các nhà xe đã chấp nhận bù lỗ hàng tỷ đồng đầu tư phương tiện, khai thác tuyến. Đến nay, các tuyến đã hoạt động thì đột ngột điều chuyển sẽ khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn.

“Thực tế các xe khách nằm trong kế hoạch điều chuyển nói trên không gây ùn tắc giao thông, bởi xe này chỉ di chuyển 1 đoạn rất ngắn ở phía dưới còn là lên đường vành đai 3 trên cao chạy. Hơn nữa, các xe này phần lớn chạy vào ban đêm, không nằm trong giờ cao điểm nên khả năng gây ùn tắc là không có. Bây giờ các xe này mới làm ăn có lãi một chút lại bắt người ta chuyển, nếu xét ở góc độ tình cảm theo tôi thì không nên. Kế hoạch điều chuyển này có khi còn làm cho nhiều nhà xe dẫn đến phá sản” – ông Uy nói.

Nguyễn Dương