Chuyển xe từ Mỹ Đình về Nước Ngầm là phạm luật?

(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội đang có kế hoạch điều chuyển 75 lượt xe (các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắc) đang hoạt động tại bến Mỹ Đình về bến Nước Ngầm. Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho rằng việc này không đảm bảo tính pháp lý, còn các doanh nghiêp vận tải đang “kêu cứu”.

Các nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc cho rằng, nếu phải chuyển về bến xe Nước Ngầm hoạt động sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.
Các nhà xe chạy tuyến Mỹ Đình - Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc cho rằng, nếu phải chuyển về bến xe Nước Ngầm hoạt động sẽ gặp khó khăn, thậm chí là phá sản.

Không đảm bảo tính pháp lý?

Theo lý giải của Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết, nếu căn cứ vào Khoản 1 Điều 4 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô qui định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch và được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 14 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ qui định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến không nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến được cơ quan có thẩm quyền công bố có quyền tiếp tục khai thác theo phương án đã đăng ký trong thời gian không quá 24 tháng, kể từ ngày công bố quy hoạch”.

Công văn của Sở GTVT tỉnh Nghệ An
Công văn của Sở GTVT tỉnh Nghệ An

Như vậy, trong trường hợp Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch theo hướng xóa bỏ các tuyến vận tải hành khách từ tỉnh Nghệ An đến bến xe Mỹ Đình thì các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn có quyền được tiếp tục khai thác trong thời gian tối đa là 24 tháng.

Căn cứ Quyết định số 2288/QĐ – BGTVT ngày 26/6/2015 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 quy định: “Đối với bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động đến năm 2020, chỉ tăng cường vào các dịp lễ, tết”.

Do đó, việc điều chuyển các phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải hành khách từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm vào thời điểm hiện nay là không đảm bảo tính pháp lý.

Doanh nghiệp gặp khó

Các doanh nghiệp vận tải ô tô khách Nghệ An, Hà Tĩnh và Đắk Lắc đang nằm trong “tầm ngắm” của Sở GTVT Hà Nội phải điều chuyển đợt này đã đồng loạt gửi đơn “kêu cứu” tới các cơ quan chức năng. Theo đơn phản ánh, nếu phải điều chuyển doanh nghiệp của họ sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản, làm cho hàng ngàn người lao động mất việc làm và để lại hệ lụy cho xã hội, trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Điều này vừa gây khó khăn cho Doanh nghiệp và khó khăn cho người dân đi lại, giao thương.

Đơn kêu cứu của các doanh nghiệp vận tải Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc
Đơn "kêu cứu" của các doanh nghiệp vận tải Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc

“Trước đây doanh nghiệp chúng tôi ra bến Mỹ Đình hoạt động, lúc đó bến này còn rất hoang sơ, không có khách, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và phải bù lỗ rất nhiều. Vài năm trở lại đây do khu vực này có nhiều trường học, dân cư sinh sống nhiều nên lượng khách có tăng lên. Tuy nhiên, lượng khách tăng lên chúng tôi lại phải cạnh tranh trong kinh doanh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, mua sắm nhiều xe giường nằm, mỗi xe cũng hơn 3 tỷ, mà phần lớn là phải vay lãi ngân hàng.

Đang làm ăn ổn định tại bến này, quen khách rồi thì Sở GTVT Hà Nội lại bắt chuyển về bến Nước Ngầm, chúng tôi cứ quay như chong chóng. Về bến Nước Ngầm thì lượng khách sẽ giảm đi rất nhiều, doanh nghiệp chúng tôi sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải phá sản” – Giám đốc 1 doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Mỹ Đình – Hà Tĩnh (xin được giấu tên) chia sẻ.

Cũng theo vị giám đốc trên, Sở GTVT Hà Nội đưa ra lý do tắc đường để điều chuyển là chưa thuyết phục, bởi các xe chạy tuyến Mỹ Đình – Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc chỉ đi dưới đường vành đai 3 một đoạn rất ngắn sau đó lên đường Vành đai trên cao, hoàn toàn không gây tắc đường. Mặt khác, các xe nói trên còn đi theo hướng Đại lộ Thăng Long – đường mòn Hồ Chí Minh xuôi về các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh,… Còn nếu “gom” hết các xe này về bến Nước Ngầm sẽ gây tắc đường nghiêm trọng tại khu vực nút ra đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, vì bến này chỉ có 1 lối ra duy nhất, còn bến xe Mỹ Đình các xe có nhiều hướng đi.

Theo các doanh nghiệp vận tải ô tô khách Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắc, nếu Sở GTVT Hà Nội điều chuyển 75 lượt xe tại bến Mỹ Đình về Nước Ngầm, thì hàng ngày sẽ có khoảng 2.000 người phải di chuyển từ khu vực này sang bến Nước Ngầm. Nếu người dân lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện: Xe máy cũng phải mất tầm 2.000 xe, taxi khoảng 500 xe, tiêu tốn thêm 1 khoản tiền và mất khoảng 2.000 giờ mỗi ngày cho việc này (vì thời gian di chuyển từ bến Mỹ Đình sang bên Nước Ngầm cũng mất gần 1 giờ đồng hồ). Điều này, khiến lượng xe trên trục đường Vành đai 3 tăng lên rất nhiều, càng gây ùn tắc giao thông.

Nguyễn Dương