Bị “dọa đuổi” khỏi bến Mỹ Đình, nhiều nhà xe “ngồi trên đống lửa”
(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất với Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam xin điều chuyển hàng loạt xe khách chạy tuyến cố định từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Thông tin này khiến nhiều nhà xe nằm trong “tầm ngắm” thời điểm này như “ngồi trên đống lửa”.
Được biết, Sở GTVT Hà Nội thực hiện đề xuất điều chuyển nói trên là để sắp xếp luồng tuyến vận tải theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, giảm ùn tắc ở Hà Nội, nhất là trên trục đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng.
Cụ thể, giai đoạn 1 điều chuyển các tuyến từ Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tĩnh (5 lượt), Đắk Lắk (4 lượt) và Gia Lai (1 lượt) đi Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2016 hoặc tháng 1/2017.
Giai đoạn 2, điều chuyển các xe chạy tuyến Thanh Hóa đi Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm với 6-8 lượt xe/ngày. Thời gian điều chuyển có thể từ tháng 1 hoặc tháng 7/2017.
Doanh nghiệp "kêu cứu"
Liên quan đến đề xuất điều chuyển trên của Sở GTVT Hà Nội, ông Hưng – Giám đốc Công ty Hồng Cúc (Nhà xe Hồng Cúc chạy tuyến cố định Mỹ Đình – Vinh – Nghệ An), cho biết: “Chúng tôi cũng mới nghe thông tin như vậy nhưng anh em làm vận tải đã như “ngồi trên đống lửa”, thực sự rất lo lắng. Chúng tôi đang làm ăn quen tại bến xe Mỹ Đình, quen khách rồi, giờ mà bị chuyển về bến Nước Ngầm là rất khó khăn cho chúng tôi. Đầu tư 1 con xe giường nằm cũng phải hơn 3 tỷ, mà hoàn toàn là đi vay ngân hàng chứ chúng tôi làm gì có tiền mặt”.
Cũng theo ông Hưng, nhiều doanh nghiệp vận tải, nhà xe nằm trong “tầm ngắm” của Sở GTVT Hà Nội đã họp bàn và kiến nghị lên Sở GTVT địa phương, UBND tỉnh nhờ cùng “kêu cứu”.
Do vị trí thuận lợi nên bến xe Mỹ Đình có lượng khách đông nhất trong các bến xe trên địa bàn Hà Nội (ảnh: Nguyễn Dương)
“Trước đây, nhà xe tôi đã phải điều chuyển từ bến Giáp Bát về Nước Ngầm, sau đó lại bắt về Mỹ Đình. Hồi đó, bến Mỹ Đình còn sơ khai, chưa có gì, chúng tôi làm ăn thời đó khó khăn lắm. Nhưng bây giờ làm ăn có hiệu quả, có khách rồi lại phải cạnh tranh với các hãng khác về chất lượng nên chúng tôi phải đầu tư mua xe mới thêm. Đang ổn định làm ăn lại bắt chuyển, không hiểu cơ quan chức năng quản lý kiểu gì” – ông Hưng bức xúc nói.
Cùng tâm trạng lo lắng như ông Hưng, ông Nguyễn Đàm Văn – Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh (nhà xe Văn Minh chạy tuyến Mỹ Đình – Nghệ An – Hà Tĩnh) cho rằng, nếu nói xe khách chạy tuyến Mỹ Đình – Nghệ An là nguyên nhân gây tắc đường thì không thuyết phục, bởi xe khách từ bến Mỹ Đình di chuyển khỏi bến 1 đoạn là lên đường Vành đai III trên cao rồi đi vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nên rất ít khi gây ùn tắc.
Nhà quản lý gặp khó
Mặc dù, chính Sở GTVT Hà Nội đưa ra đề xuất trên, nhưng khi trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - lại có những chia sẻ ngoài lề: “Sở dĩ chúng tôi đưa ra đề xuất trên là do đại diện Bến xe Nước Ngầm họ nói là bến của họ đã đầu tư khang trang, hiện đại, rộng rãi nhưng vẫn còn nhiều chỗ trống mà Sở GTVT Hà Nội không điều chuyển xe về. Bến Nước Ngầm họ đã “kêu” lên tận TP Hà Nội, từ đó TP Hà Nội mới chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Nhưng điều chỉnh thì phải tuân theo qui hoạch mà các doanh nghiệp họ có đồng ý không? 4 năm nay tôi đã ký cho khoảng 300 xe vào bến Nước Ngầm, nhưng có tới 290 xe xin thôi không chạy vì không có khách. Doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả thì mình bắt ép làm sao được, không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính được”.
Cũng theo ông Linh, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp vận tải xin đăng ký hoạt động tại Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đều ký cho vào bến Nước Ngầm. Tuy nhiên, sau 1 thời gian nhiều doanh nghiệp lại xin “rút” khỏi bến Nước Ngầm vì hoạt động không hiệu quả, đành chuyển hướng kinh doanh khác hoặc bán xe vì xin vào các bến còn lại ở Hà Nội không được do số lượng phương tiện đã đủ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, thông tin: "Số lượng xe mà Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm chỉ là số lượng rất nhỏ so với công suất hoạt động của bến chúng tôi. Nếu số lượng xe đó về Bến Nước Ngầm chúng tôi sẽ sắp xếp, tổ chức vận tải hợp lý, không trùng nhau".
Trước đây Dân trí đã có bài phản ánh, Nước Ngầm là bến xe tư nhân ở Hà Nội, hạ tầng khang trang, dịch vụ cũng được đánh giá là tốt, tuy nhiên lại rơi vào tình cảnh “ế” khách mà theo lãnh đạo bến xe này, nguyên nhân là do “lỗi” điều hành của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Nguyễn Dương