Ngày thứ 3 Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Thái Anh

(Dân trí) - 5/11 là ngày làm việc cuối trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp 10 của Quốc hội. Những vấn đề thời sự cấp thiết tiếp tục được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ”…

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu con số, cả nước đang thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non, 11.000 giáo viên tiểu học, trung học. Thiếu hụt lớn như vậy nhưng các địa phương không có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực bù đắp mà vẫn chỉ trông chờ vào lượng sinh viên sư phạm ít ỏi ra trường đến xin việc.

Tình trạng thừa thiếu cục bộ nhân lực trong nền kinh tế như hiện nay, theo đại biểu đã diễn ra từ lâu, liên tục diễn biến theo biểu đồ hình sin mà chưa được khắc phục, điều chỉnh.

Đại biểu mong muốn có sự dự báo cụ thể và công bố những ngành nghề xã hội cần để các đối tượng học sinh, sinh viên nghiên cứu ngành nghề học cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Lâm thành (Lạng Sơn) nhắc đến tình trạng thiên tai, biến đổi khí hậu dẫn tới hình thành nền khí hậu mới trên toàn cầu, dẫn chứng là đợt mưa bão, lũ lụt lịch sử ở miền Trung vừa qua.

Trong tình hình mới, ông đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách kịp thời hơn để thích ứng với điều kiện mới.

Quỹ Phòng chống thiên tai, theo ông Thành vận hành chưa tốt 6 năm qua, quỹ đang dư 1.286 tỷ, nhiều địa phương không chi một đồng nào cho việc này, có tỉnh là tâm điểm của bản đồ thiên tai mà không lập quỹ này. Đại biểu đặt câu hỏi với công tác quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự vào cuộc với công tác này?

Đại biểu cũng đề cập vấn đề chênh lệch thu nhập, chênh lệch giàu nghèo thể hiện thực trạng phát triển của khu vực miền núi đang ngày càng nới rộng so với đồng bằng, đô thị.