1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày tháng mười... định mệnh!

(Dân trí) - 5/10 đã trở thành ngày định mệnh đối với người dân bản Pục và bản Méo khi mà 13 người con của bản chỉ một tích tắc đã "về đất". Nỗi đau này chưa dứt thì nỗi đau khác lại trùm lên khi mà người ta chưa tìm thấy hết được thi thể các nạn nhân, lúc lại chứng kiến tình cảnh hai mẹ con cùng chạy lũ nhưng đứa con bé bỏng đã ra đi mãi mãi, có gia đình đến 3 người xấu số vẫn chưa thấy tung tích...

Đặt chân tới hai bản này đúng vào ngày 7/10 - cái ngày mà cách đây vừa tròn một năm tại bến đò Chôm Lôm xã Lạng Khê (Con Cuông) sự cố đắm đò đã cuốn đi 19 em học sinh mới thấy lũ qua đi tang thương, tang tóc găm lại... Một sự trùng hợp trong nước mắt...

Xé lòng nhằm ngày "sinh nhật" Chôm Lôm...

Chúng tôi đi mà lòng thấp thỏm. Hơn một ngày trước đoàn công tác đầu tiên do Bí thư Huyện uỷ Quế Phong đã lọt vào được xã Nậm Giải nhưng mọi thông tin vẫn bằng không. Người suýt bị lũ cuốn phăng, kẻ đã bị nước nhấn chìm nhưng thoát nạn... đoàn chúng tôi hiếm hoi đặt dấu chân tới hai bản Pục và bản Méo mà thấy xé lòng trước nỗi đau không gì bù đắp nổi...

Ông Lô Văn Vượng, 56 tuổi - người cha của hai vợ chồng anh Lô Văn Lâm và chị Lô Thị Tâm ngồi bó gối trước bậu cửa, đôi mắt thẫn thờ nhìn xa xăm. Ông co rúm trong chiếc áo mỏng manh. Ông không còn sức lực nào nữa để khóc cho hai con. "Vợ chồng Lâm làm trang trại đã được 10 năm. Và dựng chòi ở luôn cách nhà hàng chục cây số. Sau khi cơn lũ đi qua, khoảng 5 giờ sáng ta lên thì thấy trước mắt chỉ còn lại là bùn đất. Căn chòi mất dạng, hòn đá to cao 5, 6m án ngữ trước chòi bị bùn nhấn chìm chỉ thấy le lói. Tôi xới tung mà không thấy...", ông Vượng thở dốc tâm sự mà như đứt từng khúc ruột.

Người ở bản bảo: hơn một năm trước Lâm là phó Bí thư Đoàn xã nhưng vì muốn an tâm lo kinh tế để nuôi con ăn học nên anh đã tạm gác lại mọi chuyện. Không ngờ cái tâm của người cha muốn chắt chiu cái chữ cho con chỉ sau một đêm đã trở nên vô vọng. Ngồi bên cạnh xung quanh là dân bản nhưng bà Vi Thị Hoà - mẹ anh Lâm ngất lên ngất xuống, mỗi lúc tỉnh lại bà lại quờ quạng vào sàn nhà như muốn tìm kiếm cái gì đã mất, rồi bà thì thào: "Bọn mi không thương cái con à. Chúng kiếm cái chữ mô được... Cái Sơn, con Minh (hai người con của anh Lâm) ơi về mà nhìn...".

Cách nhà ông Vượng mấy con dao rừng, chị Ngân Thị Thảo - vợ của nạn nhân Ngân Văn Huyền ôm đứa con trai út mới hơn 5 tháng tuổi vào lòng mà nước mắt chỉ còn đọng nhẹ trên bờ mi. Nhìn đôi mắt đỏ hoe, chúng tôi hiểu không biết đã mấy đêm chị chưa ngủ. Bếp lửa trong nhà nguội lạnh đang chờ người chồng trở về đỏ lửa.

Ngày tháng mười... định mệnh! - 1

Chị Ngân Thị Thảo bế đứa con 5 tháng tuổi mà lòng quặn thắt

 
Cháu Ngân Thị Hoa, 12 tuổi bấu tay vào bậu cửa nhìn vào những người khách lạ. Em chưa đủ lớn để nhận ra nỗi đau quá lớn và cứ nghĩ bố mình đi rẫy dài ngày chưa về. Không biết rồi đây mẹ con em sẽ sống ra sao. Con chữ của 5 người con anh Huyên chung chiêng, bát cơm của chúng có còn đầy vơi...

Rời nhà chị Thảo cơn mưa rừng lại trút xuống. Không biết đã bao nhiêu nước trút xuống hai cái bản vốn bình yên này. Nhiều người bảo bản Méo nay không còn tròn trịa... mà méo thật rồi. Đẩu đâu khắp bản màu u ám hiện rõ. Cánh đồng lúa trĩu bông sắp vào vụ gặt nay là bãi cát bồi, những ngôi nhà bình yên nay tả tơi ngập sâu trong nước bùn, những thân gỗ tơi tả nằm ngổn ngang... Và những phận đời không biết nổi trôi, bấu víu vào đâu...

Bãi tha ma của bản cũng bị lũ cuốn phăng

Ông Ngân Văn Tình - Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Giải cho biết: Ngay cả bãi tha ma của hai bản Pục và Méo cũng đã bị nước lũ cuốn phăng nói chi là người. Trong số những nạn nhân bị chết ở xã thì có những gia đình có đến 3 người vẫn chưa tìm thấy thi thể... Riêng trường hợp gia đình chị Ngân Thị Luyến thì đáng thương lắm...

Nhà chị Luyến ở chông chênh trên đá mấy ngày nay cứ u ám thi thoảng lại có tiếng khóc nỉ non. Chị Luyến nằm lặng lẽ dưới nền nhà. Khi có người nhắc đến đứa con trai bé bỏng chị lại gào khóc: "Tui đi thay nó cũng được mà, để tui đi đi. Con ơi sao bỏ mẹ...".

Chị không thể nhắc nổi cái giờ phút định mệnh. Người thân chị bảo: Đêm hôm đó hai mẹ con nó ngủ trên chòi. Phát hiện có lũ, người mẹ nắm lấy tay con cùng chạy rồi nước lũ cuốn phăng. Người mẹ vẫn không rời tay con thì trong chớp mắt thân cây nhỏ bị dòng nước va đập chia cắt hai mẹ con chị Luyến, đứa con chỉ trong vài giây đã bị mất dấu dưới dòng nước hung dữ. Còn chị mắc kẹt ở một nhánh cây nên thoát chết... Bởi không cứu được con nên mấy ngày nay chị cứ như người mất hồn, trong lúc tỉnh mê chị cứ gọi tên con...Cáng ơi mô rồi (Ngân Văn Cáng là tên con trai chị Luyến - PV).

Rời nhà chị Luyến, chúng tôi lại có mặt tại nhà nạn nhân Ngân Văn Xuân và Ngân Văn Huyên - chú của Cáng cũng trong cảnh tang tóc. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi mà chỉ trong phút chốc 3 người có máu mủ ruột rà với nhau cùng ra đi. Anh Xuân đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang đi bắt cá. Tất cả cũng chỉ vì cuộc mưu sinh.

Ngày tháng mười... định mệnh! - 2

Một góc trạm biên phòng 517

 

Ông Bí thư Đảng uỷ xã bảo: Khi nghe tin bão số 5 chuyển thành áp thấp nhiệt đới chúng tôi đã tiến hành di dân khỏi vùng nguy hiểm. 13 người bị chết thì chỉ có 1 người là ở trong bản nên bị nước ngập, số còn lại là lũ cuốn khi đang trú ở trên các chòi núi cao vì lỡ đường. Trong số đó có những chòi có đến 4 người thiệt mạng.

Buổi đi đường, buổi quay ra, rời bản Pục khi nhá nhem tối. Nỗi lo sợ trước mắt phải vượt qua tràn nguy hiểm vụt qua thì bóng bản đã mờ xa. Có người bảo ngày định mệnh trong tháng 10 lập lại nhỉ khi mà chỉ trong vòng hai năm Nghệ An có đến hàng chục người thiệt mạng...

Nguyên Nghĩa - Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm