1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

"Ngày Tết lủi thủi chờ được phát bát canh, quả trứng"

(Dân trí) - “Ngày tết nghĩ đến cảnh nhà nhà người ta sum họp quây quần bên nhau còn mình thì lủi thủi trong góc giường chờ đến bữa được phát bát canh, quả trứng ... buồn lắm! Nên mỗi khi tết đến là tôi lại thấy sợ! Đói nghèo quen rồi nhưng vẫn buồn lắm!"

Đó là những lời chia sẻ nghẹn đắng cõi lòng của cụ Lương Thị Lưng (47 tuổi) một trong số hơn 230 bệnh nhân phong đang được điều trị tại làng Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập. Toàn thân cụ Lưng bị nổi mẩn đỏ, lở loét, một phần chân của cụ cũng đã bị căn bệnh phong quái ác lấy mất. Sức khỏe của cụ đang ngày một xấu đi. 

Đôi mắt mờ đục nên hơn ai hết cụ sợ cái ngày tết đến xuân về, cái ngày mà ai nấy đều được sum họp bên người thân còn cụ thì phải nằm cô quạnh một mình ở góc giường chờ đến bữa được phát cho bát canh quả trứng để đón xuân.
Cụ Lương Thị Lưng sợ cái cảm giác ngày tết phải nằm một mình nơi góc giường hiu quạnh.
Cụ Lương Thị Lưng sợ cái cảm giác ngày tết phải nằm một mình nơi góc giường hiu quạnh.

Không chỉ cụ Lưng mà hầu hết hơn 230 bệnh nhân phong đang điều trị tại làng Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập đều không còn gia đình người thân. Hoặc nếu có cũng bị căn bệnh phong chia cắt, “thất lạc” với gia đình. Bởi trước kia người ta coi căn bệnh phong là một bệnh cực kỳ ghê gớm, kinh dị và đáng sợ. Những người không may mắc phải căn bệnh này đều bị người đời thậm chí là người thân trong gia đình xa lánh, hắt hủi, phân biệt.

Hơn 230 bệnh nhân đến với khu điều trị Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập là hơn 230 mảnh đời, số phận nghiệt ngã khác nhau. Những con người tưởng chừng như đã chạm đến sự tận cùng của đau khổ. Họ đang từng ngày chống chọi với nỗi đau của cả thể xác lẫn tinh thần để sống tiếp những ngày còn lại của cuộc đời.
Cụ Lương Thị Lưng sợ cái cảm giác ngày tết phải nằm một mình nơi góc giường hiu quạnh.
Những bàn tay, những phần cơ thể không còn lành lặn các cụ cố bấu víu vào nhau chăm sóc cho nhau để vượt lên trong cuộc sống.

“Đã gần 60 năm điều trị tại đây, tứ chi tôi cũng đã bị căn bệnh phong “ăn” mất. Hơn ai hết tôi hiểu cái cảm giác cô quạnh mỗi lúc tết đến xuân về. Ngày thường ăn bữa cơm tuy chỉ có rau nhưng còn dễ nuốt, chứ những ngày tết bưng bát cơm lên mà nước mắt tôi lại trào ra”. Cụ Hồ Xuân Quăn (79 tuổi) quê ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa một trong những bệnh nhân đầu tiên về điều trị tại đây buồn bã chia sẻ.

Nằm khuất sau những dãy núi dài, dưới tán của những rặng phi lao rì rào gió thổi, làng Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập như ẩn mình, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Làn gió lạnh buốt từ biển cả thổi rít qua những rặng phi lao khiến cái lạnh càng thêm buốt giá.
 
Co đôi chân đã bị căn bệnh phong “ăn” cụt, hai bàn tay cũng chỉ còn vài ngón. Cụ Phan Dương Mềm quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cố dùng chút sức lực của mình kẹp lấy trang sách và cây bút cụ cố gắng viết nốt những vần cuối cùng của bài thơ gửi tặng ban lạnh đạo trại phong mà lòng nghẹn đắng. “Ước gì tôi cũng được ở nhà cùng con cùng cháu trong những ngày tết! Ra tết có lẽ sẽ chúng nó cũng sẽ xuống thăm tôi...”.
 
Cuộc sống của những bệnh nhân phong được điều trị tại đây đang hết sức khó khăn. Hàng ngày họ được các y bác sĩ, hộ lý chăm sóc rửa vết thương tra thuốc, thay băng gạt. Ngoài ra một tháng mỗi bệnh nhân được hỗ trợ 370 ngàn đồng tiền ăn uống. Số tiền hỗ trợ quá ít ỏi để đảm bảo cho cuộc sống của các bệnh nhân.
Cụ Lương Thị Lưng sợ cái cảm giác ngày tết phải nằm một mình nơi góc giường hiu quạnh.
 Cụ Phan Dương Mềm quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc bị căn bệnh phong ăn cụt mất 2 bàn chân. Cố gắng kẹp chặt chiếc bút vào đôi bàn tay không còn lành lặn cụ viết nốt những vần thơ để kịp tặng cho ban lạnh đạo bệnh viện, những ân nhân của mình trong ngày tết.

Mỗi lần nhận tiền trợ cấp ngoài việc trích ra một khoản nhỏ để chi tiêu cá nhân hầu như tất cả các bệnh nhân đều xin nạp lại cho nhà bếp của bệnh viện để nhờ bệnh viện mua thực phẩm và nấu thức ăn cho trong cả tháng. 370.000 đồng/tháng, vậy là một ngày mỗi bệnh nhân chỉ có khoảng 10 nghìn đồng tiền thức ăn. Vì số tiền quá ít nên nhà bếp của bệnh viện cũng chỉ giám chia ra nấu cho các cụ 2 bữa ăn trong 1 ngày. Cũng vì kinh phí quá hạn hẹp nên thực đơn chính trong mỗi bữa ăn của các cụ cũng chỉ có cơm, rau, nước canh và quả trứng.

Cụ Lo Thị E ở huyện Tương Dương, Nghệ An móm mém: “Ngày nào cũng ăn thế thôi! Tiền mình có ít thì họ chỉ nấu được vậy. Mỗi ngày ăn hai bữa cũng quen rồi. Sáng là khoảng 10 giờ còn chiều thì 5 giờ. May mắn được Nhà nước nuôi, chăm sóc chứ nếu không bệnh tật thế này thì ...”.

Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc mỗi bệnh nhân phong tại đây được hỗ trợ thêm khoảng 50 ngàn đồng tiền ăn. Được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện những ngày 30, Mồng 1, Mồng 2 Tết bữa cơm của các cụ còn có thêm những miếng thịt.

Có lẽ cả năm trời các cụ các mẹ mới được ăn miếng thịt, nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy lại chan đầy nước mắt bởi sự trống vắng, nỗi buồn sâu lắng trong tâm hồn. Khi họ không còn người thân bên cạnh, không được hưởng cái đầm ấm yên vui của phút giây đoàn tụ bên gia đình.
Cụ Lương Thị Lưng sợ cái cảm giác ngày tết phải nằm một mình nơi góc giường hiu quạnh.
Mỗi tháng được hộ trợ 370 000 đồng tiền chi phí sinh hoạt và ăn uống nên bữa cơm thường ngày của các chỉ có rau và rau.

Cụ Lương Thị Quảy (SN 1969) ở huyện Con Cuông, Nghệ An ngậm ngùi: “Hai mắt tôi thì bị mù, chân tay cũng không đi lại được. Mọi sinh hoạt đều nhờ vào các bác sĩ, y tá bệnh viện. Ngày thường đã buồn đến tết dù được ăn thịt nhưng lại càng buồn hơn”.

Vì thế để động viên tinh thần cho các bệnh nhân, Ban giám đốc, tập thể y bác sĩ bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập hàng năm đều tổ chức thăm hỏi chúc tết các cụ. Đặc biệt trong đêm giao thừa, ban lãnh đạo bệnh viện đều đến cùng bệnh nhân đón tết.
 
Ông Lê Viết Dương - Giám đốc Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quỳnh Lập chia sẻ: “Từ khi về đây công tác, năm nào tôi cũng cùng các bệnh nhân đón giao thừa. Cuộc sống của bệnh nhân ở đây còn gặp quá nhiều khó khăn thiếu thốn. Ngoài việc nhắc nhở các y bác sĩ nhân viên bệnh viện tận tâm hơn trong công tác chăm sóc y tế cho bệnh nhân. Hàng năm vào dịp tết chúng tôi cũng tổ chức vận động quyên góp trong tập thể cán bộ công nhân viên ở bệnh viện để cố gắng hết mình lo cho cái tết của các cụ đầy đủ, đầm ấm hơn”.
Những ánh mắt nhìn xa xăm đang sợ ngày Tết đến sẽ buồn hơn...
Những ánh mắt nhìn xa xăm đang sợ ngày Tết đến sẽ buồn hơn...
 
Làn gió lạnh từ biển thổi rít qua hàng phi lao như thêm buốt giá, chúng tôi rời làng phong khi trời đã chạng vạng tối. Hình ảnh những bệnh nhân phong với cơ thể không còn lành lặn nằm co ro trong chiếc giường sắt nhỏ bé. Những bữa cơm đạm bạc thiếu thốn, những bàn tay không lành lặn cố gắng bám víu vào nhau để tiếp tục sống khiến chúng tôi thêm quặn thắt lòng. Cuộc sống của các cụ, các mẹ những bệnh nhân phong nơi đây còn nhiều lắm những khó khăn thiếu thốn. Hơn lúc nào hết, họ đang cần sự chung tay chia sẻ giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để tết này họ được sưởi ấm bằng sự chia sẻ tình thương.

 Nguyễn Tình - Nguyễn Phê