1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày Táo quân của những người Công giáo

(Dân trí) - Không thờ tự ông bà, bố mẹ như những gia đình bên Lương, cũng không có lễ cúng bái cho những người đã khuất nhưng với những người Công giáo, ngày Táo quân 23 tháng Chạp vẫn là dịp để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên bằng nén hương và bát cơm nóng.

Từ sáng tinh mơ, đi dọc các con phố, các chợ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, đâu đâu cũng thấy những hình ảnh người dân mua bán tấp nập, người người đua chen nhau chọn hương hoa, oản quả và cá chép cúng ông Công, ông Táo về trời.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 1
Cụ Sắng thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên trong ngày Táo Quân
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 2
Chị Đua vẫn tranh thủ đi chợ bán hàng ngày ông Táo (Ảnh: Lan Anh)

Phía sau những ồn ào, náo nhiệt của cảnh người mua bán là sự bình yên của vùng quê công giáo Quảng Thành. Gần 1/3 dân số xã Quảng Thành theo đạo Công giáo nên các hoạt động mua bán hoa, cá chép không náo nhiệt như các nơi khác. Không có các tục lệ cúng ông Công ông Táo rườm rà như người bên Lương, với họ ngày Táo quân về trời là ngày để họ tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.

Bác Vũ Thị Hà, thôn Thành Mai, tâm sự: “Bên giáo chúng tôi những ngày này không tổ chức gì cả. Nhưng muốn tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, mong các ngài luôn phù hộ cho con cháu bình yên, khỏe mạnh nên gia đình tôi năm nào cũng làm mâm cơm nóng và thắp nén hương tưởng nhớ ông bà thôi”.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 3
(Ảnh: Lan Anh)
 
Chi Trịnh Thị Đua, bán hàng rau tại chợ sinh viên thôn Thành Mai, chia sẻ: “Gia đình tôi không tổ chức gì vào ngày Táo quân mà chỉ làm vào những ngày giỗ, ngày rằm thôi. Bởi bên giáo chúng tôi không có tục lệ cúng bái, thờ tự ông bà tổ tiên như bên Lương. Nhưng gia đình nào muốn tổ chức, bên giáo chúng tôi vẫn ủng hộ”.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 4
Mua cá chép trong ngày ông Táo (Ảnh: Lan Anh)

Hơn 90 tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai, cụ Nguyễn Thi Sắng chậm rãi: “Bà theo công giáo đã gần hết cuộc đời nhưng không năm nào bà quên ông bà, tổ tiên vàongày 23 tháng Chạp. Không tổ chức gì lớn nhưng năm nào bà cũng có mâm cơm và thắp nén hương cúng các cụ. Giờ bà tuổi cao, các con lại thay bà thắp hương cho tổ tiên, mong được phù hộ”.

Trong khi đó, với phần lớn những người dân Thanh Hóa khác, 23 tháng Chạp vẫn là một ngày Tết quan trọng trong năm. Sáng 26/1, tại phiên chợ lớn của thành phố, những hàng hóa vàng mã, hoa giấy được bày bán la liệt và rất đông người mua.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 5
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 6
Cau trầu, vàng mã và hoa cúc tươi được người dân sắm trong lễ cúng tiễn Táo quân (Ảnh: Cao Tuân - Duy Tuyên)

Từ 5h sáng, những xe hàng rong bán cá chép đã dạo quanh các khu phố; trên các vỉa hè ven chợ, rất nhiều chậu cá màu sắc bắt mắt hút người mua. Chị Thu, một người bán hàng, cho biết: “Mỗi túi cá chép có 3 đến 5 con như thế này giá 10 nghìn đồng, buổi sáng khách mua rất đông, đến nửa buổi là không còn khách vì mọi người đều làm lễ trước buổi trưa”.

Ngày Táo quân của những người Công giáo - 7
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 8
Cá chép - thứ không thể thiếu trong ngày cúng ông Táo (Ảnh: Cao Tuân - Duy Tuyên)
 
Ở những miền quê như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Thường Xuân, ngoài bàn thờ gia tiên, người dân còn lập thêm một bàn thờ nhỏ ở bếp để thờ Thổ công, Thổ địa, Táo quân. Vào ngày này họ thường nấu cháo chè, sản phẩm đặc trưng của quê lúa, để cúng ông Táo. Người dân nơi đây tâm niệm, những sản phẩm mình làm ra cúng dâng lên ông Táo trong ngày tiễn ông về trời thể hiện sự thành tâm. Món cháo chè được nấu khá đơn giản nhưng rất thơm, có vị ngọt, cay của mật mía và gừng, được người dân địa phương ưa thích.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 9
Thả cá chép (Ảnh: Cao Tuân - Duy Tuyên)
 
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến 23 tháng Chạp là con cháu về đông vui lắm, sau khi cúng ông Táo xong, cả nhà sẽ đốt hương vàng, quần áo giấy và mang ra sông thả cùng cá chép, cứ sông nào lớn, nước chảy mạnh là chúng tôi phóng sinh ở đó. Như vậy ông Táo sẽ về trời thuận lợi hơn và báo lại với Ngọc Hoàng mọi chuyện ở trần gian, phù hộ cho mọi người năm mới may mắn, bình an”.
 
Ngày Táo quân của những người Công giáo - 10
(Ảnh: Cao Tuân - Duy Tuyên)
 

Lan Anh - Cao Tuân - Duy Tuyên