1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày cuối năm, tất bật "chở" Tết về trước thời khắc giao thừa

(Dân trí) - 30 tháng Chạp âm lịch, trước thềm Tết Giáp Ngọ, tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Hà Tĩnh hay Bạc Liêu người dân tất bật đi chọn cây hoa cảnh sẵn sàng cho thời khắc giao thừa đến gần.

Tại TP Hội An, khu vực Hội chợ hoa xuân kéo dài suốt các tuyến Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… ngày cuối năm tấp nập hơn bao giờ hết. Nhiều người dân được hỏi cho biết phải đến hôm nay mới xong mọi việc và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi mới ra chợ hoa mua cây cảnh về nhà. Nhiều người cũng cho biết phải đợi đến ngày cuối năm vì ngày này thường giá hoa cây cảnh đã hạ xuống mức giá vừa phải, dễ mua hơn.

Ngày cuối năm, nhiều người tất bật mua hoa,mang Tết về nhà
Ngày cuối năm, nhiều người tất bật mua hoa,mang Tết về nhà

Náo nức chở Tết về nhà
Náo nức chở Tết về nhà

Hoa Tết ở Quảng Nam năm nay vẫn chủ yếu là quất, cúc đại đóa và mai cảnh. Ngoài ra, nhiều hàng trưng bày các cây hoa cảnh nhỏ như hoa ly, xương rồng, …, và một loại cây cảnh hút khách trong dịp Tết này là chậu lúa non.

Cây cảnh nhỏ bán được, các chủ hàng hoa chở thêm từ vườn ra để kịp bán nốt ngày cuối năm
Nhiều chậu cây cảnh quen mà lạ như những chậu lúa non này được bày bán nhiều trong dịp Tết năm nay ở Quảng Nam

Anh Nguyễn Văn Sê, chủ hàng hoa trên đường Trần Hưng Đạo cho biết: “Mấy bữa trước bán oải lắm. Chủ yếu người đi coi hoa thì nhiều chớ không mấy người mua. Quảng Nam năm nay hết bão rồi lụt, cây hoa cảnh có mấy đâu, phải mua nhập thêm từ Đà Nẵng, các nơi về nên giá cả có cao hơn.
 
Chậu mai nở bông đẹp phải tới cả chục triệu mà đang khó khăn nên dân họ ít chơi lắm. Tui chuyển qua bán cây cảnh nhỏ, lạ lạ, giá rẻ dễ bán. Ngày cuối cùng cố bán cho hết hàng chớ dân làm vườn kiêng đem hoa Tết bán không được về nhà".
 
Tại Hà Tĩnh, các tuyến đường Xuân Diệu, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đình Phùng… mặc dù thời điểm buổi trưa nhưng người ra vào không ngớt. “Ngày cuối nên cũng ít nói thách, với lại hầu như ngày cuối cùng người ta đến để mua chứ không đi về tay không như các ngày trước”, anh Trần Văn Hiệu - chủ một lô đào trên đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết.
 
Chen chúc đi chọn cây cảnh cuối năm
Chen chúc đi chọn cây cảnh cuối năm
 
Mặc dù năm nay đào nở rộ nhưng không vì thế mà giá đào hạ nhiệt. Anh Hiệu cho biết thêm: “Tiền nào thịt đó thôi, cây cảnh đến thời điểm này không cao nhưng cũng không được đẹp như những ngày trước”.
 
Giá 1 cây đào phai loại đẹp cũng có giá tầm 5 triệu đến 6 triệu. Loại đào này vào thời gian này gần như đã bán sạch chỉ còn sót lại những cây đào nhỏ hơn tầm giá từ 400 ngàn đến 1,2 triệu đồng.  
 
Cẩn thận xếp quất lên xe
Cẩn thận xếp quất lên xe
 
Đào phai theo xe ô tô về nhà đón Tết
Đào phai theo xe ô tô "về nhà" đón Tết
...xe ôm kiếm bộn tiền ngày Tết
...xe ôm kiếm bộn tiền ngày Tết
 
Nhưng có lẽ phấn khởi nhất là cánh xe thồ tại những khu vực này. Ngày tết, những người đi xe ôm, chở hàng kiêm luôn nghề cửu vạn. Cánh bán hoa cảnh và xe chở hàng phối hợp khá ăn ý.
 
Nếu khách hàng tự gọi hoặc yêu cầu, chủ hàng cũng có vài số điện thoại của cánh xe thồ. Công việc của những người bốc vác thuê, chở chậu hoa, cây cảnh ngày tết khá vất vả bì lại số tiền họ nhận được cũng khá cao với mức giá 70 ngàn đồng/km.  

Tại Bạc Liêu, theo ghi nhận của PV Dân trí, với người dân ở vùng nông thôn Bạc Liêu, họ thường chờ đến ngày cuối cùng của năm cũ mới đi chợ mua đồ dùng, chủ yếu là lương thực thực phẩm để ăn 3 ngày Tết. Do đó, không khí chợ ngày cuối năm rất nhộn nhịp.

Chợ hoa đêm 29 tất bật đón khách mua.
Chợ hoa đêm 29 tất bật đón khách mua.

Tại chợ thị trấn Hộ Phòng (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) ngay từ sáng sớm đã chật kín người đi chợ mua đồ. Nhiều chủ hàng bánh kẹo, trái cây, cá thịt bán bở cả hơi tai. Do khách hàng chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn sâu, đường đi lại cũng khá xa nên họ đi chợ và mau đồ khá nhanh để về còn chuẩn bị cúng vái cho ngày cuối năm.

Chia sẻ với PV vào sáng ngày 30 Tết trước cửa chợ Hộ Phòng, chị Đạo (ngụ xã Phong Thạnh A) cho biết, do kinh tế gia đình khó khăn nên đến ngày 30 này mới có tiền mua sắm Tết. Vì thế dù nghèo nhưng vợ chồng chị cũng tất bật đi chợ mua mỗi thứ một ít về cho cả nhà ăn Tết.
 
“Tết mình còn phải đãi khách nên tằn tiện chút ít để có cái mà đãi khách nữa chứ”, chị Đạo nói rồi hối hả đi vào chợ.

Ông cháu cùng cắt chữ chúc mừng năm mới trang trí ngày Tết.
Ông cháu cùng cắt chữ chúc mừng năm mới trang trí ngày Tết.

Với người dân vùng nông thôn, trong ngày cuối cùng năm cũ, nhà nào có gà có vịt thì làm sẵn đó rồi ướp lạnh dùng cho cả 3 ngày Tết chứ trong mùng 1, 2, 3 họ ít khi làm. Lý giải việc này, theo người dân cho biết, đầu năm mới mà sát sinh thì không hay lắm.

Sau đó, họ trang trí bàn thờ, chưng mâm ngũ quả, chuẩn bị nhang đèn…và cúng tất niên. “Những việc này mà mình không sắp xếp để làm thì có khi lại không kịp. Thông thường mọi việc phải hoàn thành trước 5, 6 giờ chiều để sẵn sàng đón năm mới”, bà Chính (một người dân) nói. Người dân ở đây cũng ăn tất niên khá sớm, có nhà ăn từ 11 giờ trưa, cũng có nhà từ xế chiều cho đến giao thừa.

Chuẩn bị nồi thịt kho hột vịt để có hương vị Tết. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Chuẩn bị nồi thịt kho hột vịt để có hương vị Tết. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Chuẩn bị nồi thịt kho hột vịt để có hương vị Tết. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo ghi nhận của PV tại một số nhà dân ở vùng nông thôn Bạc Liêu, thì hầu như nhà nào cũng phải có một nồi thịt kho hột vịt để ăn Tết. Vì thế, món ăn này được họ ưu tiên làm trước. “Gì thì gì cũng phải có một nồi thịt kho hột vịt, có khi mình ăn không bao nhiêu nhưng không có thì thấy Tết cứ thiếu đi hương vị của nó”, bà Chính nói thêm.

Ngày 30 Tết, PV Dân trí ghi nhận, đi đâu cũng thấy người dân ở Bạc Liêu đang hối hả trang trí hoa, đèn màu, bàn thờ Bác Hồ...Giao thừa đang về rất gần, không khí nhà nào cũng nôn nao đón chờ một năm mới an lành.
 

Tại Sóc Trăng, đến khoảng 13 giờ ngày 30 tết, không khí tại chợ hoa có phần phần sôi động với những người bán hoa, cây cảnh, dưa hấu bởi ế ẩm.

 
Hoa mai vắng khách đến hỏi mua.
Hoa mai vắng khách đến hỏi mua.
 

Khảo sát giá một chậu vạn thọ, người bán cho biết chỉ còn 10.000đ/chậu, trong khi đó, mấy ngày đầu giá bán từ 30.000đ/chậu. Hoa hồng chỉ còn từ 10.000đ-15.000đ/chậu, quất cảnh mấy ngày trước giá từ 70.000đ/chậu nhỏ nhưng hôm nay bán 30.000đ/chậu vẫn không mấy người mua.

 

Mặt hàng cây cảnh chủ lực là mai vàng vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm nặng. Một chậu mai vừa phải mấy ngày trước được bán với giá từ 150.000đ-200.000đ thì hôm nay bán 100.000đ vẫn không mấy người ngó ngàng tới. Nhiều chủ vườn buồn thiu với hàng trăm cây mai vàng chưa bán được dù đã nở hoa vàng ruộm…

Mặc dù đã giảm giá nhưng nhiều mặt hàng hoa, cây cảnh rơi vào tình trạng ế ẩm.
Mặc dù đã giảm giá nhưng nhiều mặt hàng hoa, cây cảnh rơi vào tình trạng ế ẩm.

Dưa hấu cũng còn thừa nhiều trong chiều 30 Tết.

Dưa hấu cũng còn thừa nhiều trong chiều 30 Tết.

 

Mặt hàng dưa hấu cũng rớt giá thê thảm không thua gì hoa, cây cảnh. Nhiều người dùng xe đẩy chở đi bán dạo cùng rao giá 50.000đ/cặp dù vài ngày trước có giá trên dưới 300.000. Trong khi đó, loại dưa vỏ màu xanh tháp bầu loại lớn cũng được chào giá 100.000đ/cặp. Một số điểm bán dưa treo bảng bán với giá 5.000đ/kg.

 

Nhìn chung, cho đến chiều 30 tết, đường dưa hấu Lý Thường Kiệt (nằm cạnh bờ sông Maspero) vẫn còn rất nhiều dưa đủ kích cỡ chưa bán được. Chính điều này khiến cho nhiều nhà nông than thở vì lỗ nặng, nhiều hộ coi như mất tết.
 
Chiều 30 Tết tại chợ hoa Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn có đến hàng nghìn chậu mai vàng nằm "ngóng khách" trên các tuyến đường khiến thương lái đối diện nguy cơ lỗ nặng.
 
Ngày cuối năm, tất bật chở Tết về trước thời khắc giao thừa
 
Một số thương lái cho biết nếu bán không hết mai sẽ thuê xe tải chờ về, tuy nhiên một số người khác đã bắt đầu “đại hạ giá”, giá mai bán ra chỉ hơn nửa tiền so với giá thực.
 

Anh Nhã (quê Bình Định) cay đắng: “Số mai của tôi hiện còn hơn 2/3, đến tối mà không bán hết thì anh em chúng tôi buộc phải nhổ gốc ra khỏi chậu để đưa lên xe chở về năm sau bán, năm nay buôn bán rất ế ẩm”.

 
Ngày cuối năm, tất bật chở Tết về trước thời khắc giao thừa
Quang cảnh buôn bán mai trên đường Trường Chinh, TP Buôn Ma Thuột khá trầm lắng, hàng nghìn chậu mai vẫn nằm yên bên đường.
Người bán mai hầu như không còn hi vọng sẽ bán hết mai trước lúc giao thừa đến.
Người bán mai hầu như không còn hi vọng sẽ bán hết mai trước lúc giao thừa đến.

Khánh Hiền - Phượng Vũ - Huỳnh Hải - Xuân Lương - Viết Hảo