Ngày 15/11/1950: Bác Hồ nói gì về tham nhũng và công tác cán bộ?
Hơn 70 năm trước, có một vụ án chống tham nhũng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam DCCH được xét xử kịp thời, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo.
Vụ án được phát hiện từ bức thư của đại biểu Quốc hội - nhà thơ Đoàn Phú Tứ gửi tới Bác Hồ. Sau khi đọc kỹ bức thư, Hồ Chủ tịch đã trao cho Thiếu tướng Trần Tử Bình, lúc đó đang là Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội. Bác nói: "Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng", sau đó Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý. Trước chứng cứ sai phạm của Trần Dụ Châu, Hồ Chủ tịch dứt khoát nói: "Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm".
Tháng 9-1950, tại thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt xét xử Trần Dụ Châu và 2 đồng bọn can tội: "Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến". Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án "tử hình", đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau khi bị tuyên án tử hình, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với ông Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho ông Trần Đăng Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?
- Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa...
- Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?
- Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.
Bác gật đầu, nói: "Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo". Người đã bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu. Người cũng chỉ thị vụ án này phải được thông tin rộng rãi để nhân dân biết.
Ngày 15-11-1950, dự phiên họp của Chính phủ, nhân nói đến vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá Giám đốc Nha Quân nhu bị tử hình vì tội tham ô... Bác phát biểu: "Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm... Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc... Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm "thanh cao tự thủ" là không đủ... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình".
Câu chuyện về tham nhũng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất đến nay vẫn là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Người phê phán cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người "vác mặt quan cách mệnh" để "đè đầu cưỡi cổ nhân dân", "dán trên trán hai chữ cộng sản" để lòe dân. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là "giặc nội xâm", coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, tham ô, hống hách của cán bộ, đảng viên nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, Người đòi hỏi các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Thực tiễn cách mạng đã minh chứng, trong bất cứ thời kỳ nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Trong những năm gần đây, trước những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Liên quan đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển".
Trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, hơn lúc nào hết, Đảng ta cần: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền; không để lọt những người không xứng đáng, cũng không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài...
Kiên quyết đấu tranh, xử lý thật nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" và thực tế cho thấy, rất nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những năm qua đã được đưa ra ánh sáng và bị xử lý theo pháp luật.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí minh, để nhận diện suy thoái rộng hơn, nhấn mạnh đến vấn đề tiêu cực trong Đảng, trước hết là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm bao gồm 19 điều. Đảng viên vi phạm quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, để ngăn chặn biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Bộ Chính trị ra Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Quy định của Bộ Chính trị quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tham nhũng; mắc "bệnh thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm…
Học tập và làm theo lời Bác dạy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu cần nêu cao tính trung thực; thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, có trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước dân.