Tham nhũng, ăn chặn trang thiết bị y tế thì… thất đức lắm!

Bích Diệp

(Dân trí) - "Ăn" ở mảng mua sắm thiết bị y tế sẽ không dừng ở vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng về vấn đề đạo đức...

Tham nhũng, ăn chặn trang thiết bị y tế thì… thất đức lắm! - 1

Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine... phòng, chống dịch Covid-19 phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan, quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các lãnh đạo bộ, ngành địa phương đã phần nào cho thấy, mặc dù hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế là cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tiêu cực ở trong lĩnh vực này vẫn là vấn đề nhức nhối.

Theo ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, việc "gửi giá", nâng khống giá trị thiết bị y tế, các loại phương tiện, thuốc chữa bệnh để ăn chia tiền chênh lệch đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Ông cho rằng, nếu không tăng cường kiểm soát quá trình mua sắm đó thì sẽ tiếp tục xảy ra những hành vi vi phạm, thậm chí là tội phạm trong vấn đề sử dụng, mua sắm công, nâng khống giá trị thiết bị y tế, việc "bắt tay nhau" giữa các nhóm lợi ích để rút ruột ngân sách, chia nhau tỷ lệ phần trăm được thỏa thuận trước (VOV-16/9).

"Tham nhũng, trục lợi ở lĩnh vực khác đã tệ rồi, nhưng tham nhũng, trục lợi trong việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh... thì đó còn là tội ác, là táng tận lương tâm" - ông Minh nhìn nhận.

Bản thân người viết cũng có chung quan điểm với ông Đinh Văn Minh. Bởi rằng, câu chuyện này không đơn thuần chỉ là "bòn rút công quỹ" mà hơn thế, còn tác động trực tiếp đến người bệnh.

Đơn giản là khi giá thiết bị đã nâng khống lên thì giá sử dụng dịch vụ mà các bệnh nhân phải chi trả cũng sẽ tăng lên. Chưa hết, trong khi có những cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại về "đắp chiếu", cất kho thì lại cũng có những nơi tận dụng triệt để, bệnh nhân cứ vào viện là sẽ phải xét nghiệm, chụp chiếu… lắm khi không cần thiết. Đặc biệt, với những bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y thì họ gần như đều là những người đã kiệt quệ về tài chính.

Cho nên, "ăn" ở mảng mua sắm thiết bị y tế sẽ không dừng ở vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng về vấn đề đạo đức.

Hồi tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Trong đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) y án sơ thẩm 10 năm tù giam.

Cái giá 10 năm tù giam của một nguyên Giám đốc CDC cùng mức án 5 năm đến 6 năm tù với những bị cáo khác khi gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng. Quả là một sự trả giá "chát".

Đây cũng là bài học rất đắt để nhận ra rằng, sự đánh đổi của lòng tham không chỉ là tiền bạc, mà còn là nhân cách, là danh dự và còn là tư cách để làm một công dân lương thiện!

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc giám sát chặt chẽ các khoản chi tiêu mua sắm không có nghĩa là các bệnh viện, cơ sở khám bệnh phải "nhịn" không mua sắm nữa. Đưa ra những yêu cầu về công khai, minh bạch là để phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tránh chi tiêu vô tội vạ chứ không phải là chặn hoạt động mua sắm lại.

Nhìn từ thực tế của hoạt động điều trị Covid-19 tại một số đơn vị ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai vừa qua, trong thời gian ca bệnh tăng nhanh đã dẫn đến nguy cơ thiếu trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch.

Thừa thì lãng phí, nhưng thiếu sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và chữa bệnh. Nơi thừa nơi thiếu, "nơi ăn không hết, chỗ lần chẳng ra", rốt cuộc, thiệt hại vẫn là bệnh nhân.

Từ cuối năm ngoái, Bộ Y tế đã triển khai Cổng Công khai Y tế (https://congkhaiyte.moh.gov.vn) để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu…

Ý tưởng và cách làm này, theo người viết là rất đáng khuyến khích. Quan trọng nhất vẫn là sự duy trì và tính chấp hành, tự giác. Đến cuối cùng, dù muốn che đậy thì "chiếc kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", thật không đáng để đánh đổi - mà vụ Nguyễn Nhật Cảm đã là một điển hình!