Ngành kiểm sát hủy hơn 700 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật
(Dân trí) - Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2020, ngành kiểm sát đã không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giam và huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật.
Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2020 công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực. Từ đó đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ…
Báo cáo công tác, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nâng chất lượng truy tố, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Một trong những kết quả nổi bật là Viện KSND các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.
Viện KSND đã trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, tăng 4,7%; huỷ 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án…
Đáng chú ý, ngành kiểm sát đã không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam và huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật; yêu cầu bắt tạm giam 58 bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 816 bị can.
Dù đánh giá chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm, sai sót giảm dần nhưng Viện trưởng Lê Minh Trí còn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, còn để một số bị can phải đình chỉ do không phạm tội, toà án tuyên bị cáo không phạm tội; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng dù tăng 5,2% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. “Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Theo bà Nga, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Với báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao, theo Uỷ ban Tư pháp, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự của Viện KSND các cấp tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Song cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát; 3 trường hợp Viện Kiếm sát truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.
Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. “Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%”, bà Nga nêu.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, một số VKSND chưa kịp thời phát hiện vi phạm trong quản lý người bị tạm giữ, tạm giam dẫn đến tình trạng người bị tạm giữ, tạm giam trốn, tự sát, phạm tội mới cao hơn năm trước. Công tác kiểm sát án có điều kiện thi hành án và án chưa có điều kiện thi hành án hành chính, dân sự trong một số trường hợp chưa chặt chẽ.