Ngăn thủy ngân từ công ty Rạng Đông phát tán ra bên ngoài như thế nào?
(Dân trí) - Người dân sinh sống gần khu vực vụ cháy của Công ty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại, trong quá trình lực lượng chức năng xử lý môi trường, thủy ngân có thể vẫn phát tán ra môi trường bên ngoài.
Liên quan đến nội dung trên, tối 20/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Đậu Xuân Hoài - Phó Viện trưởng Viện Hóa học môi trường quân sự cho biết: Ngày 16/9, Hội đồng của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã họp và nhất trí với phương án xử lý môi trường tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) của Viện Hóa học môi trường quân sự trình lên. Hội đồng đánh giá phương án của Viện Hóa học môi trường quân sự đưa ra được kết cấu chặt chẽ, có đầy đủ tính khoa học và phù hợp với điều kiện của Công ty Rạng Đông.
Theo ông Hoài, phương án xử lý đưa ra gồm 5 bước:
Bước 1, cô lập, chống lan tỏa phát tán của thủy ngân ra môi trường, như: Ngăn chặn nước chảy tràn bề mặt, bởi trong điều kiện mưa gió như hiện nay nên tổ công tác đã phải xây dựng các hệ thống đê bao, cũng như sử dụng các vật liệu hấp phụ để ngăn chặn thủy ngân phát tán theo nước mưa chảy tràn.
Viện Hóa học môi trường quân sự hướng dẫn cơ quan chức năng để cô lập để hạn chế sự phát tán của thủy ngân bay hơi vào môi trường không khí bằng cách sử dụng các hóa chất có khả năng phản ứng với thủy ngân, cũng như dùng những vật liệu hấp phụ để ngăn thủy ngân không phát tán vào môi trường không khí trong điều kiện nóng bức.
Bộ đội hóa học phun tẩy độc sơ bộ vào vật liệu trước khi chuyển đi.
Bước 2, Viện Hóa học môi trường quân sự tiến hành tiêu tẩy các vật tư, vật liệu mà Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (Urenco 10) đang phá dỡ, bốc xếp các xà gồ, sắt thép, tôn của nhà xưởng. Đối với những vật liệu này không phải chất thải nguy hại bởi ngưỡng thủy ngân ở đó chưa vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn về ngưỡng chất thải nguy hại QCVN 07 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, chúng không được xếp vào chất thải nguy hại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho quá trình vận chuyển, Viện Hóa học môi trường quân sự cũng hỗ trợ Urenco 10 tiêu tẩy sơ bộ các vật liệu này.
Bước 3, sau khi Urenco 10 thu gom, bốc xếp các vật liệu tro, xỉ, bóng đèn, cũng như phá dỡ các nhà xưởng xong, Viện Hóa học môi trường quân sự sẽ tiến hành tiêu tẩy toàn bộ mặt bằng nhà xưởng đã bị cháy.
Bước 4, Viện Hóa học môi trường quân sự sẽ tiến hành quan trắc môi trường trong quá trình thu gom, bốc xếp chất thải nguy hại, cũng như tiêu tẩy xử lý hiện trường. Mục tiêu là để phát hiện ra các vấn đề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp giảm thiểu một cách nhanh nhất, kịp thời, tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh, cũng như là sức khỏe bộ đội.
Bước 5, đảm bảo an toàn, an ninh trong quá trình triển khai thực hiện.
Khi phóng viên hỏi Viện Hóa học môi trường quân sự có kế hoạch xử lý môi trường ngoài phạm vi của Công ty Rạng Đông hay không? ông Hoài cho biết: "Hiện chúng tôi mới lên phương án xử lý môi trường bên trong nhà máy. Trong nội dung văn bản mới nhất của UBND TP Hà Nội có đề nghị chúng tôi tiêu tẩy bên trong nhà máy và khoảng cách bên ngoài khu dân cư nếu bên ngoài bị ô nhiễm. Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả quan trắc, đánh giá của cơ quan chức năng, nếu cần thiết chúng tôi sẽ thực hiện tẩy độc. Nhưng đến thời điểm hiện tại và căn cứ vào điều kiện thực tế chúng tôi khảo sát vừa qua, chúng tôi thấy phạm vi cần thiết phải xử lý chỉ trong phạm vi nhà máy".
Đã thu gom, vận chuyển được 150 tấn phế thải
Cũng liên quan đến nội dung trên, tối cùng ngày, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Urenco 10 cho biết: Tính đến hết ngày 20/9, đơn vị này đã thu gom, vận chuyển được khoảng 150 tấn phế thải của vụ cháy Công ty Rạng Đông. Toàn bộ số phế thải này trước khi vận chuyển ra khỏi Công ty Rạng Đông đều được bộ đội hóa học tẩy độc sơ bộ và bàn giao bằng văn bản.
"Số phế thải này chúng tôi vận chuyển đến kho tạm của đơn vị và xử lý sau. Công việc tháo dỡ, thu gom vật liệu của vụ cháy rất nhiều. Sau vụ cháy, các kết cấu xây dựng rất dễ gãy đổ, nên nhiều khu vực chúng tôi phải gia cố lại để đảm bảo an toàn cho công nhân làm. Dự kiến, đến 22/9, chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng khoảng 1.800-2.400m2 cho bộ đội hóa học để tiến hành tẩy độc, làm sạch" - lãnh đạo Urenco 10 cho biết.
Chung cư 54 Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội).
Tại chung cư 54 Hạ Đình, nhiều hộ dân mấy ngày nay tiếp tục dời đi nơi khác "lánh nạn" vì cho rằng, quá trình Urenco 10 tháo dỡ, vận chuyển phế thải của vụ cháy Công ty Rạng Đông khiến bụi bay lên nhiều, lo ngại thủy ngân phát tán ra môi trường.
Về vấn đề một số cư dân ở chung cư số 54 Hạ Đình mấy ngày nay phải chuyển đi nơi khác ở, hoặc phải dùng nhiều biện pháp che chắn vì cho rằng trong quá trình Urenco 10 tháo dỡ, vận chuyển phế thải từ vụ cháy đã dẫn đến bụi bay lên nhiều, lo ngại thủy ngân phát tán ra môi trường bên ngoài, vị lãnh đạo Urenco 10 khẳng định: Có thể mấy ngày đầu tháo dỡ, vận chuyển xuất hiện bụi bay lên, nhưng hiện nay hoàn toàn không còn bụi bay lên.
Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 20/9, tại Công ty Rạng Đông, lực lượng chức năng đang tiến hành tháo dỡ, thu gom phế thải của vụ cháy. Một đoạn đường giáp với nhà kho bị cháy đã được lực lượng chức năng rào lại để đảm bảo an toàn trong quá trình thu gom, vận chuyển phế thải.
"Trong quá trình tháo dỡ, vận chuyển, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Rạng Đông liên tục phun nước vào nên hoàn toàn không có bụi bay lên" - vị lãnh đạo Urenco 10 cho biết.
Vị lãnh đạo Urenco 10 cho biết thêm, hiện nay đơn vị này luôn bố trí 80 công nhân, 30 xe ô tô tải để vận chuyển, 8 máy công trình để tiến hành khẩn trương tháo dỡ, vận chuyển phế thải của vụ cháy. Dự kiến, khoảng 7 ngày nữa Urenco 10 sẽ hoàn thành công việc này.
Trước đó, như đã đưa tin, chiều tối 28/8, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội tại khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội).
Sau khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC của Hà Nội và quận Thanh Xuân đã đến hiện trường để triển khai dập lửa. Tuy nhiên, do diện tích cháy lớn, bên trong nhà xưởng có nhiều đồ vật dễ cháy nên công tác chữa cháy gặp khó khăn, kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.
Nguyễn Dương