Sẽ mở thêm đường để đưa phế thải vụ cháy Công ty Rạng Đông ra ngoài
(Dân trí) - Phế thải từ vụ cháy Công ty Rạng Đông (Hà Nội) quá lớn, lực lượng chức năng đang tính toán sẽ mở thêm 1 đến 2 tuyến đường để đưa phế thải ra ngoài nhanh hơn.
Liên quan đến công tác xử lý môi trường vụ cháy ở Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), tối 13/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tá Thượng tá Nguyễn Văn Bổng, Trưởng Ban cứu hộ, cứu nạn của Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, hiện nay, lực lượng của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và công nghiệp 10 (URENCO 10) đang tiến hành phá dỡ, thu gom và vận chuyển phế thải từ vụ cháy này.
Số lượng phế thải từ vụ cháy của Công ty Rạng Đông rất lớn.
"Khối lượng phế thải sau vụ cháy rất lớn, nên công tác thu gom và vận chuyển sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi đang bàn bạc phải mở thêm 1 đến 2 tuyến đường để cho xe tô tô ra - vào, chở phế thải vụ cháy ra ngoài được nhanh hơn. Nếu không mở thêm đường thì công tác thu gom, vận chuyển phế thải sẽ kéo dài hàng tháng, vì chỉ có 1 lối vào duy nhất là đường Hạ Đình" - ông Nguyễn Văn Bổng cho biết.
Cũng theo ông Bổng, số phế thải thu gom được trong 2 ngày đầu xử lý đã được đóng vào bao tải và để tạm ở kho chứa của Công ty Rạng Đông. Sau đó, số phế thải này sẽ được đưa đến một nơi khác để khử độc, khi an toàn sẽ vận chuyển tới khu xử lý phế thải thông thường.
Ông Bổng cho biết thêm, do chưa giải phóng xong mặt bằng, những ngày đầu xử lý, lực lượng của Bộ Tư lệnh Thủ đô, Binh chủng Hóa học, lực lượng vệ binh vẫn làm công tác điều hành, giám sát; lực lượng công binh sẵn sàng xử lý các sự cố liên quan đến bom mìn.
"Trong quá trình phá dỡ, thu gom, lực lượng chuyên trách vẫn phun các chất khử độc, nếu có thủy ngân thì sẽ hạn chế phát tán ra môi trường. Trước đó, Binh chủng Hóa học đã lấy 23 mẫu để xét nghiệm, nhìn chung đã ổn định, môi trường nhà dân xung quanh đó không vấn đề gì" - ông Bổng cho biết.
Về số lượng người tham gia xử lý sự cố môi trường vụ cháy trên, ông Bổng cho biết, riêng trong ngày đầu (12/9), có hơn 130 cán bộ, chiến sĩ của Viện Hóa học môi trường quân sự và Trung tâm ứng cứu sự cố phóng xạ hạt nhân miền Bắc (Binh chủng Hóa học) cùng hàng chục xe và trang thiết bị chuyên dụng phối hợp của Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Tuyến phố Hạ Đình là đường duy nhất để xe ô tô khổ lớn có thể vào được nhà máy Rạng Đông.
Ngày 13/9, trực tiếp chỉ huy lực lượng cán bộ chiến sĩ xử lý sự cố tại hiện trường, Trung tá Nguyễn Gia Thứ, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 86, Bộ tư lệnh Hóa học - cho biết, khó khăn lớn nhất là toàn bộ rác thải đã được thu gom đóng bao, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án vận chuyển số rác này tới vị trí an toàn để tạo mặt bằng cho đơn vị tiến hành tiêu tẩy độc.
Bên cạnh đó, việc tiến hành thu gom rác thải tại hiện trường rất dễ xảy ra mất an toàn, bởi vì bộ khung, trần, mặt sàn của nhà kho bị cháy kết cấu không an toàn, rất dễ xảy ra đổ sập.
"Chúng tôi đã quán triệt bộ đội nêu cao ý thức, duy trì công tác thu gom với tinh thần tích cực, khẩn trương nhất, nhưng luôn phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…” - Trung tá Nguyễn Gia Thứ cho biết.
Trước đó, như đã đưa tin, chiều tối 28/8, ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội tại khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội).
Sau khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC của Hà Nội và quận Thanh Xuân đã đến hiện trường để triển khai dập lửa. Tuy nhiên, do diện tích cháy lớn, bên trong nhà xưởng có nhiều đồ vật dễ cháy nên công tác chữa cháy gặp khó khăn, kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.
Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.
PGS.TS Trần Chương Huyến, nguyên giảng viên cao cấp khoa Hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, độ sôi của thủy ngân chỉ là 390 độ C, nhưng nhiệt độ đám cháy thời điểm đó khoảng 1.300 độ C. Chính vì vậy, lượng thủy ngân sẽ cháy và bốc hơi, phát tán ra môi trường hết.
Nguyễn Dương