Ngân sách vượt thu: Mừng ít, lo nhiều!
(Dân trí) - Theo bản quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước 2004, tổng thu ngân sách tăng 30%. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu lại phụ thuộc vào nguyên liệu thô là dầu mỏ và đất đai. “Có lẽ chúng ta cũng phải dành cho con cháu chúng ta một chút, không thể cứ đào mãi lên mà bán được”, một đại biểu lo lắng.
Lập dự toán thấp để dễ đạt thành tích?
Thảo luận về quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) 2004, đại biểu Lê Kim Toàn nhận xét: “Số vượt thu rất cao là điều đáng mừng nhưng cũng đáng lo, vì như vậy là công tác dự báo không sát, vượt 30% là quá cao”. Chỉ ra bản chất thực của vấn đề này, đại biểu Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, mấu chốt là ở một vài dòng trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ngân sách, đó là tình trạng: “Nhiều địa phương cố tình lập dự toán thu ngân sách thấp để không chỉ dễ đạt thành tích mà còn được tăng bổ sung cân đối từ ngân sách TƯ cho ngân sách địa phương”.
Lo lắng về nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) cho rằng, nguồn thu hiện nay của ngân sách quốc gia là không bền vững, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ nguyên liệu: “Trên mọi nẻo đường của đất nước đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách”. Nhưng thực tế nguồn thu chủ yếu lại từ nguyên liệu (xuất khẩu dầu thô, bán đất). “Có lẽ chúng ta cũng phải hạn chế điều này vì cũng phải dành cho con cháu chúng ta một chút, không thể cứ đào mãi lên mà bán được”, ông Khanh kêu gọi.
Phần ngân sách vượt thu, đại biểu Khanh đề xuất: “Tôi thiết tha đề nghị dành cho đầu tư y tế, từ trước tới nay, y tế sống nhờ vào viện trợ không hoàn lại nhiều quá”, bày tỏ sự bức xúc về tình trạng thiếu thốn trang thiết bị và quá tải tại các bệnh viện hiện nay, đại biểu Khanh đưa ra so sánh: “Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ khác cái chợ ở chỗ không mua bán chứ thực tế nó đông như chợ”.
Vượt chi quá lớn
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Cần Thơ) không đồng tình trước thực trạng chi vượt dự toán quá lớn, có tỉnh vượt tới hơn 300%. Ông cho rằng, đó là do kỷ luật dự toán không nghiêm: “Như vậy là không tôn trọng Quốc hội, QH mất rất nhiều thời gian ngồi bàn chi tiết nhưng sau đó không được tôn trọng”. Ông lấy ví dụ, ở các nước, dự toán ngân sách được QH thông qua được coi như bộ luật.
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng vi phạm trong quản lý và sử dụng ngân sách vẫn diễn ra khá phổ biến: “Trong khi chúng ta hô hào nhân dân “sống và làm việc theo pháp luật” thì chính các cơ quan nhà nước lại không thực hiện tốt pháp luật”, ông Toàn bức xúc.
Phó chủ nhiệm UB kinh tế và Ngân sách Tào Hữu Phùng thì nghi ngờ về tính chính xác của các con số trong báo cáo vì theo ông mới có trung bình 50% các tỉnh, ngành có báo cáo kiểm toán: (mới kiểm toán được 30/64 tỉnh, và 17/27 bộ, ngành trung ương).
Ngay sau phần thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã có những ý kiến giải trình. Về số vượt thu, ông Hùng cho rằng khoản thu vượt cao nhất là từ dầu thô và từ đấu giá quyền sử dụng đất (chiếm trên 80%). Mức vượt là do giá cả hai loại sản phẩm này biến động. Các khoản thu khác chỉ vượt 5%, vẫn ở trong mức cho phép.
Về vượt chi, ông Hùng lý giải rằng, số chi vượt chủ yếu dành cho chi sự nghiệp, chi lương…Hầu hết những địa phương chi vượt chỉ dao động từ 40% - 60% tổng mức đầu tư nên vẫn trong tầm kiểm soát.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Trương Quang Được đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng có những giải trình cụ thể bằng văn bản gửi tới các đại biểu.
Đức Hoà