Ngân sách cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không thiếu

(Dân trí) - Ngân sách cho việc quy tập hài cốt liệt sỹ, ngành LĐ-TB&XH không thiếu. Nhiều trường hợp quy tập ở Campuchia, chi phí thực tế lớn hơn mức 75 triệu đồng nhiều nhưng ngành vẫn thanh toán đầy đủ, nếu được cơ quan chức năng khẳng định qua giám định ADN…

Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Trọng Sang (đại biểu Quốc hội TPHCM), Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), Thứ trưởng Công an Đặng Văn Hiếu (đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) trao đổi thêm nhiều ý kiến về vụ án lừa đảo tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bằng “ngoại cảm”.

Đại biểu Lê Trọng Sang: Sẵn sàng chi hơn 75 triệu đồng để tìm kiếm nếu đúng hài cốt liệt ỹ

Ngân sách cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không thiếu
5 năm trở lại đây xuất hiện nhiều “nhà ngoại cảm”, tôi không phải nhà khoa học nên không đánh giá được việc họ đúng hay sai, nhưng tôi thấy qua thực tiễn của TPHCM, do gia đình tự tìm nhà ngoại cảm mong muốn đưa vào nghĩa trang liệt sĩ nên đưa đến xét nghiệm ADN thì thấy rằng gần như những trường hợp tìm bằng ngoại cảm này thì đều không chính xác.

Vấn đề bất cập hiện tại là chúng ta chưa kịp thời nghiên cứu vấn đề này. Tôi nghĩ Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cần có đề án nghiên cứu về ngoại cảm, năng lực tự nhiên của con người để từ đó đưa vào phương pháp quản lý.

Còn để ngăn chặn tình trạng lợi dụng, lừa đảo này, người dân nên cảnh giác. Có nhiều phương pháp để người thân có thể thờ cúng liệt sĩ. Trong nghĩa trang liệt sĩ hiện chúng tôi cũng có những mộ chưa tìm được hài cốt nhưng vẫn có danh tính, miễn là trong tâm mình luôn hướng đến người đã ngã xuống. Hoặc nhiều gia đình cũng đến nơi con em hy sinh, bốc một nắm đất về, điều đó hoàn toàn hợp lý.

Còn nhiều gia đình cố gắng tìm kiếm bằng ngoại cảm, như tôi đã nói là chưa có cơ sở khoa học và tỷ lệ đúng rất thấp, gần như bằng 0. Chính vì thế, Sở chúng tôi luôn khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức như ngành LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong ở các địa phương… Các cơ quan, tổ chức này đều có thành viên tham gia vào các đề án giúp người thân tìm hài cốt liệt sĩ.

Về chuyện dư luận nghi vấn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi tiền bất minh cho việc nhờ “cậu” Thủy (“nhà tâm linh” lừa đảo mới bị bắt ngày 28/10) để tổ chức giả quy tập, làm giả hài cốt liệt sỹ, tôi khẳng định, tại TPHCM, Ngân hàng CSXH thành phố không có chủ trương này. Còn về ngân sách cho việc quy tập hài cốt liệt sĩ, TPHCM không thiếu. Các trường hợp quy tập gắn với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Tư lệnh Thành phố, Quân đoàn 4 chúng tôi đều thanh toán đúng thực tế, tức các cơ quan thực hiện chi bao nhiêu, ngành LĐ-TB&XH sẽ trả đủ. Nếu xét nghiệm ADN để xác định thông qua các tổ chức chính thức như Hội Cựu chiến binh, các tổ chức quân đội, chúng tôi sẵn sàng chi trả, người dân không phải bỏ tiền.

Còn mức 75 triệu đồng/hài cốt như thông tin báo chí đưa ra, nhiều trường hợp, chúng tôi phải sang tận Campuchia quy tập, chi phí còn lớn hơn, chúng tôi vẫn thanh toán theo thực tế.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Kiên quyết không đưa hài cốt chưa giám định ADN vào nghĩa trang liệt sỹ

Ngân sách cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không thiếu
Vừa qua hoạt động của các nhà ngoại cảm cũng đã có góp phần tích cực trong việc đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng cũng đã nảy sinh có một số vấn đề liên quan đến vấn đề tâm linh. Dư luận cũng đã từng đặt vấn đề về chuyện này, và thực tế chúng ta cũng đã từng xử lý một số vụ rồi, chứ không phải vụ cậu Thủy lần này là đầu tiên. Vì thế tôi cho là chúng ta cần phải tăng cường tuyên truyền để làm sao nhân dân nhận thức được rằng, ngoại cảm là một vấn đề đang nghiên cứu chứ ngoại cảm không phải đã phát triển thành một nghề có niềm tin vững chắc. Nếu chúng ta cứ hoàn toàn tin chắc vào điều đó thì không tránh khỏi chuyện bị lừa đảo.

Vì vậy vấn đề đặt ra. Một là Nhà nước phải quản lý đối tượng này như thế nào, phải xác định những ai được phép làm việc đó. Cần phải đưa vào quản lý  chứ nếu chúng ta không quản lý, cũng không xác định được tiêu chuẩn những nhà ngoại cảm thì không nên cho hành nghề.

Việc xác định đâu là người có năng lực ngoại cảm thực sự thì đã có Hội đồng nghiên cứu về tâm linh để khảo nghiệm. Nhưng theo tôi, dù thế nào thì năng lực ngoại cảm cũng chỉ để tham khảo thôi, còn để quy định trở thành một nghề  mang tính công khai thì đó là vấn đề khó, khó đối với cả thế giới chứ không phải ở Việt Nam. Vấn đề là tăng cường quản lý  để hạn chế tối đa việc lợi dụng ngoại cảm để lừa đảo, nhất là lừa đảo để thực hiện chính sách tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Hài cốt liệt sĩ hiện chưa tìm thấy được hiện còn rất nhiều. Chúng ta đều mong Bộ Quốc phòng giải mã hết  được các phiên hiệu của các đơn vị chiến đấu. Ngày xưa, họ chỉ ghi ký hiệu thôi, mà bộ đội thì có thể hy sinh ở khu vực này, khu vực kia. Vì vậy bây giờ phải phiên hiệu được những đơn vị đó chiến đấu ở đâu, hy sinh ở đâu thì mới tìm chính xác được. Còn không phiên hiệu chính xác được, chỉ có thông tin là hy sinh ở mặt trận phía Nam chẳng hạn thì gia đình sẽ tin vào những thông tin ít ỏi đó để vận dụng năng lực ngoại cảm kiếm tìm.

Vì thế, tôi vẫn cho rằng điều quan trọng nhất trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là phải giải mã được những phiên hiệu đó để cung cấp cho gia đình liệt sĩ những thông tin chính xác nhất. Ví dụ, đã xác định được bộ đội hy sinh ở khu vực Quảng Trị thì không thể tin vào kết quả nhà ngoại cảm tìm thấy hài cốt ở Tây Nguyên như đã xảy ra trong thực tế. Cũng chỉ khi có thông tin chính xác thì gia đình liệt sĩ mới không bị nhà ngoại cảm lừa đảo.

Ngoài ra, cần kiên quyết nếu hài cốt không được giám định chính xác thì không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Toàn bộ quá trình chi phí tìm kiếm, xét nghiệm ADN, Nhà nước sẽ chi phí, bỏ tiền ra để làm. Tôi tin, nếu được tuyên truyền đẩy đủ thì các gia đình liệt sĩ sẽ chấp hành quy định thôi.

Đại biểu Đặng Văn Hiếu: Xử lý hình sự “nhà ngoại cảm” lừa đảo

Ngân sách cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ không thiếu
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, vụ nhà ngoại cảm lừa đảo liên quan đến nhiều tỉnh thành phố, Bộ Công an đang trong quá trình điều tra và thường xuyên nghe báo cáo kết quả tình hình. Quá trình xử lý vụ việc sẽ tùy thuộc từng đối tượng phạm tội, trong đó nếu đối tượng là quân nhân, Bộ Quốc phòng sẽ làm, còn nếu là dân sự, công an sẽ vào cuộc.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu khẳng định, quá trình điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến nhà ngoại cảm nếu phát hiện sai phạm các đối tượng sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật. “Đã là tội phạm thì phải xử lý nên không có đối tượng nào được ngoại lệ. Nếu mức độ nhẹ thì xử lý kỷ luật, còn nặng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ phải xử lý bằng pháp luật”, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết.

P.Thảo - Q.Phong