1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Ngăn khuôn viên trường cho công ty may vào hoạt động

(Dân trí) - Không những bất chấp việc cho mượn đất của nhà trường trái quy định, ông Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 4 (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) còn bất chấp cả sự an toàn của học sinh…để cho một công ty may mặc vào trường hoạt động khi chưa có bất kỳ cấp có thẩm quyền nào cho phép.

Huyện, xã, trường “tiếp tay” cho vi phạm?

Theo phản ánh của một số phụ huynh thì họ vô cùng lo lắng khi ngôi trường mà con em họ đang học lại được ngăn một phần để cho một công ty may mặc vào hoạt động, sản xuất. Việc này không những làm ảnh hưởng đến việc học do tiếng ồn của nhà máy mà còn gây nguy cơ cháy nổ cao.

Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường THPT Tĩnh Gia 4 bức xúc: “Không hiểu tại sao nhà trường lại cho công ty vào hoạt động. Nếu lỡ may có cháy nổ xảy ra thì sao? Ai chịu trách nhiệm về tính mạng của con em chúng tôi?”.

Ngăn khuôn viên trường cho công ty may vào hoạt động - 1
Công ty mượn đất của trường và xây thêm một số công trình phục vụ cho việc sản xuất, may mặc.
Công ty mượn đất của trường và xây thêm một số công trình phục vụ cho việc sản xuất, may mặc.

Theo tìm hiểu, Trường THPT Tĩnh Gia 4 cho công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M vào mượn khuôn viên và một số phòng học của nhà trường để hoạt động may mặc vào ngày 1/4/2018. Hiện công ty có 200 công nhân đang may mặc tại đây.

Hợp đồng mượn mặt bằng của nhà trường thể hiện công ty sẽ mượn nhà trường 18 tháng. Nếu có nhu cầu mượn thêm sẽ báo trước 30 ngày. Số diện tích công ty được sử dụng là 3.360m2 , trong đó có 2 dãy nhà cấp 4, mỗi dãy 3 phòng học.

Được biết, công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M có tờ trình xin mượn mặt bằng của Trường THPT Tĩnh Gia 4 được ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký xác nhận.

Tờ trình của công ty được ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký xác nhận cho vào trường mượn đất.
Tờ trình của công ty được ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ký xác nhận cho vào trường mượn đất.

Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch UBND xã Hải An, nơi Trường THPT Tĩnh Gia 4 đóng cho biết: “Về quản lý đất đai thì thuộc thẩm quyền của huyện nên trước khi vào mượn trường, công ty có xin huyện và được đồng ý còn cấp xã thì chỉ quản lý về con người. Khi công ty đến, họ cũng có vào xã báo cáo nên chúng tôi cũng tạo điều kiện để họ được tuyển dụng, hoạt động trên địa bàn”.

Còn ông Lê Thế Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xác nhận việc cho công ty mượn đất của trường là không đúng quy định tuy nhiên ông phân trần: “Khi công ty này về làm ở Tĩnh Gia có đặt vấn đề với huyện là Trường THPT Tĩnh Gia 4 có khuôn viên rộng, lại đang bỏ không một số phòng học nên muốn mượn một thời gian để đào tạo công nhân chờ cấp phép hoạt động nên tôi mới ký xác nhận. Tôi không hề biết việc công ty hoạt động chính thức chứ không phải đào tạo công nhân ít ngày như họ trình lên”.

Ông Kỳ cũng khẳng định việc trường đồng ý, xã đồng ý thì ông mới đồng ý và việc ông ký xác nhận không vì vụ lợi cái gì mà do ông Lê Thanh Hà, Phó Ban quản lý Nghi Sơn giới thiệu nên ông nể mà ký.

“Việc công ty chính thức hoạt động tôi mới biết cách đây mấy ngày. Hôm nay tôi ra trực tiếp yêu cầu giải tán công ty ngay” – ông Kỳ cho biết thêm.

Đề nghị kiểm tra, xử lý!

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế nghi sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho rằng huyện, xã và trường đang làm sai. “Công ty cổ phần SX-TM Quốc tế T&M đầu tư trá hình đào tạo công nhân trên đất của Trường THPT Tĩnh Gia 4 là trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Riêng về đất đai, Ban quản lý Nghi Sơn không có chế tài xử phạt, chỉ thông báo với huyện để xử lý” – ông Thi nói.

Ông Thi cũng nêu quan điểm: “Việc trường cho mượn để đào tạo công nhân là hoàn toàn sai chứ chưa nói đến sản xuất vì sản xuất phải đảm bảo phòng chống cháy nổ, nếu xảy ra cháy, chết người ai là người chịu trách nhiệm? Huyện ký xác nhận như thế này là không được”.

Cổng trường biến thành cổng có lô gô công ty may.
Cổng trường biến thành cổng có lô gô công ty may.

“Đáng ra chính quyền địa phương phát hiện, sau đó thông báo với các cơ quan liên quan. Trong đó nếu quản lý về đầu tư thì Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn là đơn vị cấp phép còn nếu quản lý về đất đai, về vi phạm thì chính quyền địa phương phải xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại ký cho công ty làm trong khi không công ty không có hồ sơ được Ban đồng ý. Mặt khác, Trường THPT Tĩnh gia 4 được nhà nước đầu tư đào tạo nhân lực. Trường giành đất cho mượn hay thuê là trái thẩm quyền” – ông Thi cho biết thêm.

Ông Thi cũng khẳng định, ngay chiều nay (ngày 20/8), Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn sẽ làm văn bản gửi UBND huyện Tĩnh Gia, UBND xã Hải An và Sở GD-ĐT (đơn vị trực tiếp quản lý trường này) đề nghị kiểm tra, xử lý, nghiêm cấm và hủy văn bản trái pháp luật.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm