1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của đối tượng liên quan án tham nhũng

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) có số lượng tài sản phải thi hành án rất lớn đang khiến cơ quan thi hành án đau đầu.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) có số lượng tài sản phải thi hành án rất lớn đang khiến cơ quan thi hành án đau đầu.

Theo Chỉ thị 05/CT-TTg về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm qua (6/2), để phát huy kết quả đã đạt được, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự, Thủ tướng chỉ thị Bộ Tư pháp cần xác định rõ định hướng phát triển hoạt động thi hành án dân sự phải gắn liền với yêu cầu xây dựng nền tư pháp nhân dân trong sạch vững mạnh, phù hợp với quan điểm của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 về xây dựng Chính phủ “kiến tạo, phát triển, liêm chính và phục vụ nhân dân”.

Bộ Tư pháp kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và các vụ án về tham nhũng. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra Công an các cấp kịp thời xác minh, truy tìm tài sản, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo tổ chức thi hành án có hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng và nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.

“Kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”-Chỉ thị 05 nêu rõ.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về công tác tổ chức cán bộ trong Hệ thống thi hành án dân sự; bố trí, sử dụng có hiệu quả biên chế được giao và đảm bảo biên chế hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời chỉ đạo UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp cũng như trong hoạt động tổ chức thi hành án trên địa bàn.

Tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua, người nhận tài sản để thi hành án; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các vụ án về tham nhũng và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Xử lý nghiêm các trường hợp chây ỳ, trốn tránh, cố ý không chấp hành án.

Đáng chú ý, các địa phương phải chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là các trường hợp tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án; chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất kịp thời cung cấp thông tin, thu hồi, hủy bỏ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất liên quan đến việc thi hành án dân sự. Các trường hợp vi phạm thì xử lý nghiêm.

Thu hồi tài sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết đến nay vụ Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) đã thi hành được 261 tỷ 655 triệu đồng; vụ Công ty Tài chính II đã thi hành 29 tỷ 963 triệu đồng; vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã thi hành được 74 tỷ 102 triệu đồng; vụ Vinalines đã thi hành hơn 38 tỷ 904 triệu đồng; vụ Ngân hàng phát triển Đắc Lắc đã thi hành được 605 tỷ 283 triệu.

Việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, án tham nhũng-kinh tế vẫn có kết quả còn thấp, quá trình tổ chức thi hành án một số việc còn kéo dài, số tiền chưa thi hành được chuyển kỳ còn nhiều do những khó khăn, vướng mắc.

Rõ nhất là việc đa số các vụ án có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ thi hành nghĩa vụ mà bản án đã tuyên. Ví dụ như việc thi hành án đối với Dương Chí Dũng trong vụ Vinalines phải nộp 110 tỷ đồng nhưng đến nay mới thi hành được hơn 22,5 tỷ đồng, trong đó số tiền số tiền bán tài sản đã kê biên chỉ thu được 14 tỷ đồng.

“Năm nay chúng tôi sẽ chỉ đạo thành lập và đi vào hoạt đông có hiệu quả của các Tổ chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, như tổ chỉ đạo giải quyết vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Vụ Công ty tài chính II, Vụ Vinalines... Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế”-ông Khôi nói.

Thế Kha