1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Ngại chống tham nhũng vì ai cũng đầy rẫy khuyết điểm, nhập nhằng”

(Dân trí) - “Nhiều vụ án tôi thấy chủ yếu xử người ở cuối dây và mới chỉ đánh mơn man bên ngoài tham nhũng. Theo tôi muốn đạt hiệu quả phải đánh thẳng vào người có chức, có quyền và cả lực lượng chống tham nhũng nữa”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Bên lề buổi thảo luận tổ thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/10, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề chống tham nhũng. Theo đại biểu Đương, không phải ai cũng mạnh dạn nói về tham nhũng bởi bản thân mỗi người tự cảm thấy đầy rẫy những khuyết điểm, những nhập nhằng trong tiền bạc. Vì vậy, nếu họ đề cập đến vấn đề chống tham nhũng thì lại sợ người khác bới ra cái sai của mình.
Phải khởi tố điều tra chính cán bộ nương nhẹ tham nhũng, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
"Phải khởi tố điều tra chính cán bộ nương nhẹ tham nhũng", Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Một số vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan chuyên trách ở Trung ương phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nương nhẹ, giơ cao đánh khẽ trong xử lý tham nhũng khiến nhiều người lo ngại căn bệnh này bị lờn thuốc, thưa ông?

Những vụ án tham nhũng lớn nếu người trên nghiêm, quyết đưa ra xử thì sẽ làm được. Thế nhưng trong nhiều vụ án tôi thấy chủ yếu xử lý người ở cuối dây như kế toán, thủ quỹ. Đáng lẽ ra những vụ ấy phải xử lý giám đốc hoặc chủ tịch mới đúng vì họ mới là người quyết định sự việc.

Việc xử cho xong như thời gian qua là không đáp ứng được yêu cầu. Tôi đã nhiều lần nói thẳng mới chỉ đánh mơn man bên ngoài tham nhũng. Theo tôi, đánh tham nhũng phải đánh thẳng vào những người có chức cao, quyền cao thì mới hiệu quả.

Nhiều vụ án điển hình như thương vụ Dương Chí Dũng và đồng bọn mua ụ nổi 83M cho thấy một cá nhân không thể “nuốt trôi” được mà phải có cả hệ thống cùng bắt tay rút ruột tiền của nhà nước thế nhưng khi xử lý vẫn chỉ thấy “nhỏ giọt” vài ba đối tượng?

Những cái lớn như vậy có phải cây kim, sợi chỉ đâu mà “nuốt trôi” được. Khi nhập khẩu những tài sản lớn như thế có sự kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan an ninh, thậm chí có cả những lực lượng đặc biệt khác nữa. Tôi cho rằng việc truy cứu đến cùng những người có quyền quyết định là việc rất cần thiết. Thế nhưng hiện nay để làm được điều đó không dễ, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều.

Trong thời gian ngắn đối tượng có liên quan trong những “đại án” tham nhũng tại Vinalines… không thể hoàn tất hành vi của mình mà nó đòi hỏi phải có cả quá trình. Đến khi các đối tượng đó “đút túi” hàng ngàn tỉ đồng vụ việc mới được phát hiện. Điều đó có cho thấy bộ máy chống tham nhũng có vấn đề hay chính sách còn nhiều sai sót dẫn đến tham ô, tham nhũng, thất thoát?

Tôi phải nói rằng chính sách không sai. Chủ trương, chính sách lớn của mình là đúng, thế nhưng các văn bản quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực còn nhiều sơ hở dẫn đến các đối tượng lợi dụng nó để ban hành các quyết định “cá biệt”. Thế nên nhiều đối tượng mới “đục nước béo cò” ra những quyết định đầu tư, thẩm định đấu giá sai trái nhằm kiếm lợi cho riêng mình. Tôi cho việc này có trách nhiệm của Quốc hội. Quốc hội có trách nhiệm phải sửa để bịt kín những sơ hở đó.

Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vậy có cách nào xử lý những cán bộ cố tình “bẻ cong” hành vi tham nhũng không, thưa ông?

Phải khởi tố điều tra chính những anh đó. Chính những anh đó mới là người bao che tội phạm. Ở nhiều nước chống tham nhũng trước hết người ta tấn công thẳng vào lực lượng chống tham nhũng. Họ điều tra chính cảnh sát, công tố, thẩm phán trước. Để làm được điều đó nước ta phải có cơ chế đặc biệt chống tham nhũng, còn vẫn cứ cơ chế như hiện nay thì không làm được.

Tham nhũng diễn ra tràn lan như hiện nay, còn có lý do nhiều người biết nhưng làm ngơ không muốn hoặc không dám tố cáo một mặt vì nể nang, né tránh vì ngại điều đó gây phiền hà cho bản thân?

Không phải ai cũng mạnh dạn tố cáo tham nhũng vì người chống tham nhũng phải có bản lĩnh. Một trong những lý do những người không dám nói ra tham nhũng là bản thân họ cũng đầy rẫy những khuyết điểm, cũng có những nhập nhằng trong tiền bạc.

Đến nay cử tri rất sốt ruột trong việc xử lý 10 đại án tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng, như tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên, Vinalines… Theo ông, lo lắng đó của cử tri có chính đáng?

Tham nhũng càng để lâu càng dễ hóa bùn. Làm gì thì làm năm 2014 phải kết thúc xong 10 vụ án tham nhũng đó. Nếu đưa vào tay tôi chỉ đạo sẽ làm được trong thời gian ngắn nhất. Hành vi rõ đến đâu tôi cho xử đến đó chứ không hợp tất cả lại rồi kéo dài đến vài năm không xong.

Còn vấn đề tham nhũng thì cử tri biết hết. Họ nói thẳng với tôi rằng nếu chống tham nhũng tốt nước ta không phải vay nợ nhiều mà vẫn thay đổi từng ngày. Bởi vì tiền nhà nước không phải là ít, tại sao lại đi đâu hết trong khi đầu tư công chưa được bao nhiêu.

Quang Phong (ghi)