“Nếu Trung Quốc vẫn kiên quyết không xuống thang căng thẳng…”
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Quốc hội nói: "Có thể lường trước việc Trung Quốc sẽ chưa xuống thang nhưng chúng ta sẽ cương quyết để bảo vệ lợi ích của dân tộc".
Sau khi Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội về vấn đề Biển Đông, Quốc hội có ý kiến, sáng kiến gì để giải quyết căng thẳng hiện nay, thưa ông?
Hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về vấn đề này để các đại biểu, với tinh thần trách nhiệm cao nhất của mình, nghiên cứu, đánh giá và đưa ra sáng kiến, đề nghị. Sau khi tổng hợp ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới phân tích, tổng hợp trước khi đưa ra nội dung cụ thể.
Dự kiến ngày mai Quốc hội sẽ có thông cáo báo chí về nội dung này.
Ông Nguyễn Kim Khoa: "Bờ có mạnh thì biển mới yên được"Dự kiến thời điểm nào Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về Biển Đông như nhiều đại biểu đề nghị?
Vấn đề này cần phải hết sức bình tĩnh. Kể cả trong trường hợp Quốc hội họp xong mà tình hình căng thẳng hơn, nếu cần có Nghị quyết của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có quyền ra Nghị quyết sau khi xin ý kiến các đại biểu.
Giải pháp đấu đấu tranh pháp lý cũng cần phải xem xét hết sức thận trọng. Về phương diện này, chúng ta rất có lợi thế bởi chân lý, cơ sở pháp lý hoàn toàn thuộc về chúng ta. Nhưng cũng giống như người lính khi ra trận, phải tùy thuộc thời cơ để chúng ta thực hiện từng phương thức, bước đi thích hợp.
Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển.
Thời gian vừa qua nhiều ý kiến trong và ngoài nước đặt vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 bên cạnh sự việc xảy ra tại bãi cạn Scarborough. Nhiều người nói tới những điểm tương đồng giữa hai vụ việc…
Trường hợp xảy ra với bãi cạn Scarborough có nhiều điểm khác biệt với chuyện hạ đặt trái phép giàn khoan. Tuy nhiên, có một điểm chung: các diễn tiến sự việc nằm trong chuỗi hoạt động của Trung Quốc tại khu vực, trải từ Biển Hoa Đông tới Biển Đông. Cần phải thấy rõ điểm này để có thể đánh giá được toàn diện toan tính của phía Trung Quốc.
Thưa ông, tại Hội nghị cấp cao lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ cùng các nước liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và cảnh báo các nước châu Á muốn liên minh quân sự. Ông có nhận định gì về tuyên bố này của lãnh đạo Trung Quốc?
Lãnh đạo Trung Quốc nói sẽ cùng các nước liên quan giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhưng thực tế là chính họ lại đang sử dụng vũ lực, đơn phương leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Cũng phải khẳng định lại, quan điểm nhất quán của chúng ta là không tham gia liên minh quân sự. Cộng đồng ASEAN mà chúng ta là một thành viên được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. Trong đó, trụ cột an ninh là nhằm mục tiêu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á chứ không phải liên minh quân sự.
Với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo bạn Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không? | ||||
| ||||
Việt Nam và ASEAN yêu cầu Trung Quốc tuân thủ nghiêm DOC và nghiêm túc tiến tới ký kết COC. Mục đích trên hết là vì an ninh khu vực.
Được biết, Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã có cuộc làm việc riêng với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông. Ủy ban Quốc phòng – An ninh có kiến nghị gì cụ thể, thưa ông?
Liên quan đến nội dung này Ủy ban cũng đã có báo cáo trước Quốc hội. Một trong những điểm đáng chú ý là Ủy ban đề nghị với Quốc hội, cả hệ thống phải vào cuộc, tạo sức mạnh tổng hợp toàn dân. Đồng thời, chúng ta phải nắm chắc tình hình để giải quyết khôn khéo cả trên biển lẫn trong hoạt động kinh tế nhằm đảm bảo các lợi ích. Bên cạnh đó, chúng ta nỗ lực giữ ổn định chính trị và tăng cường, phát triển kinh tế. Bờ có mạnh thì biển mới yên được.
Ngoài ra, chúng ta phải tận dụng tất cả các kênh đối ngoại để đấu tranh bằng phương pháp hòa bình. Ngày mai, tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra ở Philippines chúng ta sẽ tiếp tục có tiếng nói về vấn đề này. Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vừa kết thúc, các Bộ trưởng đã lên tiếng mạnh mẽ. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp trực tiếp người đồng cấp Trung Quốc để trao đổi.
Trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn đang tiến hành những biện pháp làm căng thẳng thêm tình hình và chưa nhìn thấy dấu hiệu nhượng bộ. Nhưng chúng ta vẫn kiên quyết buộc họ phải nhượng bộ. Bởi chúng ta có chính nghĩa và quốc tế ủng hộ chúng ta.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng lường trước việc Trung Quốc sẽ chưa xuống thang và họ muốn đạt được mục tiêu của họ. Chúng ta phải cương quyết để bảo vệ lợi ích của dân tộc.
Phúc Hưng (thực hiện)