1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nếu sợ, ngư dân chúng tôi đã không ra khơi!”

(Dân trí) - Ngư dân Đặng Phi (SN 1965, trú phường Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu DNa 90081 TS) khảng khái nói tại bến cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, khi chuẩn bị lên tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa.

Chiều ngày 15/5, tại cảng cá số 1 âu thuyền Thọ Quang, Hội doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã tổ chức động viên, thăm hỏi 10 tàu cá công suất lớn của ngư dân trên địa bàn trước khi xuất phát ra ngư trường Hoàng Sa tiếp tục bám biển, bảo vệ vùng biển chủ quyền. Trong đợt này, mỗi tàu cá được hỗ trợ 5 triệu đồng cùng với nhu yếu phẩm cần thiết để ngư dân bám biển.

“Nếu sợ, ngư dân chúng tôi đã không ra khơi!”
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng - Nguyễn Đỗ Tám - chúc ngư dân Lê Văn Sang gặp nhiều thuận lợi trong chuyến biển sắp tới

Ông Đặng Phi cho hay, mấy ngày nay ngư dân vẫn tiến hành sản xuất bình thường trên biển vì đây là ngư trường của mình, mình cứ đánh bắt. Có gì bất trắc đã có lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ nên ngư dân cũng yên tâm.

Ông Phi cho hay ông tham gia tổ đánh cá đoàn kết số 6 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) gồm 7 tàu hỗ trợ nhau trong lúc đánh bắt. Trao đổi với PV Dân trí tại cảng cá số 1 âu thuyền Thọ Quang về chuyến biển sắp xuất phát, ông Phi khẳng định: “Nếu sợ Trung Quốc thì chúng tôi đã không ra khơi!”.

Trong đợt ra khơi này, ông Phi cùng 7 ngư dân khác đi từ 15-20 ngày; thực phẩm, nước, đá, nhiên liệu… ông đã mua sắm với số tiền gần 100 triệu đồng. Ông nói: “Đánh đến khi nào hết đá hết dầu thì về, quan trọng là trông cho gặp luồng cá”.

Các tàu cá công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị vươn khơi bám biển dài ngày
Các tàu cá công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị vươn khơi bám biển dài ngày

Còn ngư dân Nguyễn Văn Điều (SN 1974, trú phường Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng, chủ tàu cá DNa 90350 TS) cùng 10 ngư dân khác cũng chuẩn bị xuất phát ra Hoàng Sa. Theo ông Điều, dù tình hình có căng thẳng nhưng nếu không ra khơi thì vợ con ở nhà cũng như các bạn tàu sẽ khó khăn. Hơn nữa, ra khơi cũng là thể hiện chủ quyền của mình trên vùng biển quen thuộc mà bấy lâu nay ngư dân Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh khác đã khai thác bấy lâu nay.

“Dự kiến chuyến đi biển này từ 20-25 ngày nhưng nếu trúng cá hoặc hết đá thì mới quay trở về”, ông Điều khẳng định.

Trong đợt xuất phát ra khơi này còn có tàu hậu cần nghề cá lớn nhất Đà Nẵng của ngư dân Lê Văn Sang mang số hiệu DNa 90444 TS với công suất máy gần 1.300 CV. Nhiệm vụ của tàu ông Sang là ra biển mang theo các nhu yếu phẩm, dầu, đá… trao đổi với ngư dân ngay trên biển, điều này làm cho ngư dân thuận lợi rất nhiều trong việc bám biển dài ngày.

Ông Sang cho biết mỗi chuyến biển của mình kéo dài từ 3-5 ngày. Khi nào đầy tàu thì quay vào bờ bán lại cá rồi mua nhu yếu phẩm, dầu… tiếp tục vươn khơi. Phát biểu với các PV tại cầu cảng số 1 âu thuyền Thọ Quang, ông Lê Văn Sang khẳng định: “Biển của mình thì mình khai thác và giữ gìn, nếu không con cháu chúng ta sẽ không có biển để làm ăn”.

Được hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp các ngư dân như tiếp thêm sức mạnh, tự tin và yên tâm hơn trong vùng biển chủ quyền của mình. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của lực lượng Kiểm ngư, ngư dân càng vững tin hơn trong những chuyến biển của mình. 
 
Biển của mình, mình cứ ra khơi!
 
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh TT-Huế cho hay, ngày 15/5, hàng trăm thuyền của ngư dân đã ra khơi bám biển, đánh bắt hải sản, dù tình hình trên biển vẫn đang căng thẳng.
 
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định hỗ trợ ngư dân 214 triệu đồng, hiện Sở Tài chính đang trình Uỷ ban tỉnh hỗ trợ đợt tiếp theo.
 
“Nếu sợ, ngư dân chúng tôi đã không ra khơi!”

Các tàu cá Huế vẫn thu nhập rất nhiều cá tôm sau các chuyến đi biển gần giàn khoan trái phép Trung Quốc những ngày qua

Ông Trần Vẹm, chủ tàu cá lớn ở làng Đông Hải, chia sẻ: “Những chuyến đi gần đây khi tàu cá đến gần khu vực Trung Quốc lắp giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam sẽ bị tàu nước họ rượt đuổi. Chúng tôi phải giữ khoảng cách khoảng 5-7 hải lý khi qua khu vực này, dù tốn thêm nhiên liệu nhưng chúng tôi không bỏ cuộc vì đảo Hoàng Sa, Trường Sa là 2 ngư trường chính lâu nay của ngư dân Việt Nam, và là vùng biển của tổ quốc chúng ta. Việc Trung Quốc cấm ở trên biển Hoàng Sa lâu nay chúng tôi xem đó là chuyện thường, biển của mình, mình cứ bình thường mà ra khơi, có chi mà sợ”. 

Ở cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang), nhiều ngư dân cũng tỏ ra bất bình trước hành động của Trung Quốc những ngày qua. Ngư dân Lê Phức (37 tuổi, trú thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An), chủ tàu cá công suất 500CV chia sẻ: “Mùa tháng 5 có rất nhiều cá, tuy nhiên những ngày qua chúng toi bị xua đuổi rất xa so với nơi đặt giàn khoan trái phép. Tuy có khó khăn do phải chạy vòng nhưng chúng tôi quyết một lòng không sợ, phải ra khơi để thể hiện tình yêu với đất nước”.

Cũng để hỗ trợ, bảo vệ và nhằm giảm bớt thiệt hại khi gặp tàu Trung Quốc, cán bộ chiến sĩ Biên phòng các tỉnh Thừa Thiên – Huế đã liên tục nhắc nhở, hướng dẫn cho tàu ngư dân nên đi theo từng nhóm, thường xuyên giữ liên lạc, để có gì bất trắc kịp thời hỗ trợ cho nhau. Và yêu cầu ngư dân khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên biển phải thông báo về chỉ huy trên đất liền để nắm bắt, có hướng xử lý.

Cảng cá Thuận An tấp nập người mua bán.

Cảng cá Thuận An tấp nập người mua bán.
 
Công Bính - Đại Dương