1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nếu dự báo bão sai, tôi chấp nhận bị cách chức

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Lê Công Thành khẳng định không có chuyện cơ quan này dự báo sai về cơn bão số 1. "Nếu sai thì hãy cách chức ngay tôi đi, và tôi cũng hoàn toàn thanh thản với linh hồn người đã chết", ông nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo giới chiều 25/5 tại Hà Nội.

Xin ông giải thích vì sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa bản tin dự báo bão số 1 của Việt Nam và Đài khí tượng Hong Kong?

Từ bản đồ dự báo của đài Hong Kong và so sánh với bản đồ dự báo của mình, rồi kết luận dự báo của ta quá sai thì tôi cho rằng mọi người chưa hiểu. Tại sao mọi người không thắc mắc trên bản đồ dự báo của Hong Kong có những vòng tròn kích cỡ khác nhau?

Các vòng tròn đó nói lên sai số của dự báo. Trong 24 giờ, tâm bão có thể nằm bất cứ chỗ nào trong phạm vi vòng tròn. Và khi bão chuyển hướng, vòng tròn càng to vì sai số càng lớn. Khi bão đã đi ổn định (đi tương đối thẳng) vòng tròn sẽ nhỏ hơn.

Từ ngày 12/5, Đài khí tượng Hong Kong đã dự báo bão di chuyển lên phía bắc. Nhưng hãy nhìn các vòng tròn chỉ mức độ sai số, có thể 2 ngày sau bão sẽ không đi theo hướng bắc mà sẽ thay đổi nằm trong phạm vi vòng tròn, và hướng đi hoàn toàn có thể trùng với dự báo của ta.

Tại sao bão có xu hướng chuyển sang phía bắc từ ngày 13/5, nhưng phải ngày 15/5, Trung tâm mới dự báo nó đổi hướng?

Phải hiểu rằng dự báo của chúng tôi chỉ trước 24 giờ, trong bản tin nào cũng nói rõ là bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc. Một ngày chúng tôi phát tới 7 bản tin (khi bão gần), có nghĩa là chỉ 3 tiếng sau đó, chúng tôi lại dự báo 24 giờ sắp tới, bão sẽ di chuyển theo hướng nào.

Cụ thể, bản tin lúc 9h30 ngày 15/5, chúng tôi dự báo trong 12 giờ tới, cơn bão di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km, sau đó nhiều khả năng di chuyển dần lên phía bắc với tốc độ 10-15 km/h. Bản tin tiếp theo bão di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, nghĩa là đi lên hướng bắc rồi. Có nghĩa là chúng tôi đã dự báo tương đối chính xác.

Thưa ông, nếu lấy mốc là ngày 14/5 để so sánh bản đồ dự báo của đài khí tượng Hong Kong và đài của Việt Nam, rõ ràng trong 24 giờ ta vẫn thông báo bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, trong khi đài Hong Kong đã xác định bão đổi hướng bắc?

Tôi hoàn toàn có ý kiến ngược lại với báo. Nếu mà sai như thế này thì tôi sẵn sàng chấp nhận bị cách chức ngay và tôi cũng hoàn toàn thanh thản với linh hồn những ngư dân đã thiệt mạng.

Nhiều người chỉ lấy một bản đồ dự báo để phân tích, mà không nhìn cả quá trình một cách khách quan. Nếu chúng tôi sai và thiếu sót thì hơn ai hết chúng tôi là người đau xót đầu tiên. Làm nghề dự báo khí tượng thủy văn, thành quả lao động lớn nhất chẳng phải là tiền bạc, danh tiếng với xã hội, mà là tránh thiệt hại cho đồng bào.

Điều quan trọng là Cơ quan khí tượng không đưa ra dự báo về sự đổi hướng sớm của cơn bão để ngư dân phòng tránh...

Với khả năng công nghệ hiện nay, chúng ta chỉ có thể dự báo chính xác trong 24 giờ, đảm bảo cho công tác phòng chống hiệu quả. Nếu dự báo trước 48 giờ, sai số lớn thì thiệt hại lớn, hậu quả khôn lường.

Như năm ngoái, trong cơn bão số 6, tất cả trung tâm dự báo quốc tế dự báo trước 2-3 ngày đều cho rằng bão đổ bộ trực tiếp vào miền Trung với sức gió rất mạnh. Nhưng kết quả là bão đi lên phía bắc.

Bây giờ chúng ta ngồi lại, nhìn đường đi thực tế của cơn bão và tưởng rằng dự báo của bạn là đúng lắm. Nhưng thử vào ngày 12 và 13/5, chúng ta có điều kiện để hỏi trực tiếp cơ quan khí tượng Hong Kong là đường đi chính xác của bão như thế nào thì họ sẽ giải thích đúng như tôi giải thích.

Tức là trong ngày thứ nhất tâm bão có thể nằm bất cứ ở đâu trong vòng tròn nhỏ; ngày thứ hai, tâm bão có thể nằm bất cứ ở đâu trong vòng tròn thứ hai, lớn hơn.

Ông có thể đưa ra mức độ sai số khi dự báo trước 2-3 ngày?

Theo số liệu thống kê của Tổ chức khí tượng thế giới, mức độ sai số khi dự báo bão trước 24 giờ là cộng trừ 120 km (tâm bão đi lệch khỏi điểm dự báo 120 km), trong trường hợp bão đi tốc độ ổn định, sai số có thể nhỏ hơn, cỡ 80-90 km.

Nếu bão chuyển hướng như bão số 1 thì sai số cỡ 150-170 km. Sai số dự báo trong 48 giờ là cộng trừ 250 km, 72 giờ sai số khoảng 400-450 km.

Tại sao cơ quan khí tượng Việt Nam dự bão bão số 1 chỉ giật trên cấp 12, trong thực tế sức gió vùng tâm bão giật trên 160 km/h, tương đương với cấp 14?

Bản tin dự báo của ta nói sức gió vùng gần tâm bão giật trên cấp 12, chứ không phải là cấp 12. Đến nay, các nước có công nghệ dự báo bão tiên tiến chỉ đo được cấp độ gió trên cấp 12. Còn những máy đo gió thông thường chỉ đo hết cấp 10, nếu mạnh hơn nữa thì tất cả các máy sẽ hỏng.

Giả thử từ ngày 13/5, dự báo hướng di chuyển của bão là hướng bắc thì bà con có tránh được thiệt hại?

Nếu ngày 13/5, ngư dân biết được dự báo về sự đổi hướng thì cần xem lại lúc đó họ đang ở đâu và khi biết tin này thì tránh bão như thế nào. Nếu thuyền đang ở bên trái quỹ đạo (phía tiếp giáp với đất liền) thì tàu thuyền phải chạy vào bờ. Nếu chỉ lệch 100 km, tức bên phải quỹ đạo thì rõ ràng phải chạy ra ngoài khơi.

Nếu ngày 13/5, mình thông báo bão theo hướng bắc thì bà con vẫn có thể chạy lên Đài Loan (hướng đông bắc) để tránh bão. Nhưng sau đó như tôi đã giải thích, dự báo của trung tâm quốc tế cũng có sai số.

Sai số này xảy ra ngày 17/5, bão đã đổi hướng, không chạy vào Hong Kong nữa mà xiên lên bờ biển phía đông của Trung Quốc. Như vậy nếu chạy lên Đài Loan là theo đúng hướng đi của bão.

Phải nói rằng chúng tôi không biết vào mùa này, ngư dân đánh cá nhiều ở ngư trường rất xa hải phận của Việt Nam. Chúng tôi làm dự báo thời tiết là để bà con tránh được tai nạn. Nếu họ gặp nạn thì chúng tôi phải xem xét lại mình đầu tiên. Không ai nói bao biện để cho rằng mình đúng trong lúc bà con thiệt mạng cả. Nhưng chúng ta phải nhìn lại cả quá trình dự báo một cách khoa học và khách quan.

Ông có nói trong cơn bão số 1, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng việc dự báo xa trước 48 giờ. Vậy tại sao điều đó không được thể hiện trên bản tin?

Năm nay lần đầu tiên chúng tôi làm dự báo bão trước 48 giờ. Trong website chúng tôi đã đề cập, còn trong bản tin chính thức thì chưa. Vì bất cứ bản tin nào đưa ra đại chúng thì phải biết chắc chắn độ chính xác của nó. Nếu mình đưa thông tin thiếu chính xác đôi khi còn thiệt hại lớn hơn.

Hiện chúng tôi đang thử nghiệm dự báo bão sớm trước 48 giờ, chưa đánh giá được sai số. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng khả năng dự báo này còn rất yếu.

Để dự báo xa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ con người đến công nghệ. Tại sao Mỹ, Nhật, Hong Kong dự báo tốt thế là vì Mỹ có vệ tinh bay cả tầng cao lẫn tầng thấp. Họ có máy bay, bay xuyên qua bão để thám sát cho chính xác.

Nhật Bản, Hong Kong đều có vệ tinh khí tượng. Supercomputer của cơ quan khí tượng các nước bao giờ cũng nằm trong số siêu máy tính mạnh nhất của quốc gia ấy. Supercomputer của cơ quan khí tượng Mỹ chỉ sau của NASA. Tôi nói vậy không có nghĩa rằng chúng ta chỉ cần mua cái siêu máy tính mà đưa ra dự báo chính xác.

Khả năng công nghệ có hạn, tại sao cơ quan khí tượng lại không tham khảo dự báo của các đài quốc tế?

Tất nhiên làm nghề dự báo khí tượng thủy văn mà không theo dõi dự báo của các nước thì làm sao mình hội nhập được. Chúng tôi thường xuyên tham khảo bản tin của đài khí tượng Mỹ, hải quân Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong, Bắc Kinh, Quảng Châu. Ngoài ra còn tham khảo của Trung tâm dự báo châu Âu, của Anh, Australia.

Sau bão số 1, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại trình độ của đội ngũ cán bộ dự báo thời tiết. Ông nghĩ sao?

Điều đó hãy để cơ quan chức năng đánh giá. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định lại rằng, nếu dự báo trong vòng 24 giờ thì chúng ta đang ở mức trung bình và trên trung bình thế giới. Còn dự báo 48 giờ của ta đang yếu, ở mức dưới trung bình thế giới.

Trong cơ chế thị trường này, ngành khí tượng thủy văn rất khó thu hút người tài giỏi. Các bạn đến phòng dự báo sẽ thấy rằng nhiều người cán bộ tóc bạc hơn cả tôi, vì phải thức đêm hôm, nhưng chỉ có đồng lương thôi.

Theo Như Trang
VnExpress