Thanh Hóa:

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”

(Dân trí) - Văn hóa Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc là nền văn hóa khảo cổ học thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng trên dưới 4.000 năm. Thế nhưng hiện nay nền văn hóa này dường như đang bị "lãng quên".

Văn hóa khảo cổ sơ kỳ thời đại đồng thau được gọi theo tên xã Hoa Lộc, nằm cách thị trấn Hậu Lộc khoảng 6km về phía Đông, cách thành phố Thanh Hoá 22km về phía Đông Bắc. Nền văn hóa này được các nhà khảo cổ học phát hiện năm 1973. Từ năm 1976 đến nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật hai lần tại xã Hoa Lộc vào những năm 1974, 1975.

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 1
Ông Phạm văn Hùng dẫn PV ra thăm khu đất cồn Sau Chợ.

Sau những lần khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại đây nhiều di vật, hiện vật có giá trị. Đặc biệt nhiều vật dụng, công cụ được làm bằng gốm như: Đồ trang sức, vòng tay, rìu, đục, cuốc… Những vật dụng đó được các nhà khảo cổ đánh giá về trình độ kỹ thuật đạt đến mức hoàn thiện. Dấu tích đồ gốm, đồ đá, kim loại… tại di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc đã góp phần khẳng định đây là một vùng đất cổ.

Sự tồn tại của số lượng lớn các loại rìu lưỡi bằng đá và các loại cuốc đá là một trong những đặc trưng riêng của văn hóa Hoa Lộc. Những hiện vật, di vật đồ gốm tìm thấy ở đây được chế tạo với kỹ thuật cao, trang trí nhiều hoa văn đặc sắc, tinh xảo cho thấy đầu óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ gốm Hoa Lộc xưa.

Khu đất đó có tên gọi là cồn sau chợ, nằm trên địa bàn thôn 7, xã Hoa Lộc, Hậu Lộc, là một cồn cát khá cao và rất rộng, nơi được coi là tồn tại nền văn hóa Hoa Lộc 4000 năm, chúng tôi không thể ngờ khu vực mà nơi đây nhiều đoàn khảo cổ, các nhà nghiên cứu đồ cổ đã tìm thấy rất nhiều các hiện vật có giá trị, giờ đây chỉ là một bãi đất trống, chăn thả gia súc, nhiều hộ dân thấy hoang phí đã tận dụng trồng màu.

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 2

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 3
Những mảnh gốm, kết quả của những lần khai quật còn sót lại.

Ông Phạm Văn Hùng ở thôn 7, xã Hoa Lộc, người từng chứng kiến hai lần khai quật khảo cổ học trước kia cho biết: "Sau khi đoàn khảo cổ học khai quật tại Hoa Lộc xong, nhiều đối tượng tìm đến đây dùng máy dò, đào bới và lấy được nhiều hiện vật cổ có giá trị. Mới đây, vào năm trước còn có một người Trung Quốc qua đây lấy các mẫu gốm vụn về tìm hiểu. Hiện nay, người dân đi làm vẫn nhặt được những mảnh công cụ thậm chí là những lưỡi rìu, bình hoa làm từ gốm còn tương đối nguyên vẹn”.

Cũng theo ông Hùng thì trước đây cồn sau shợ có diện tích khá rộng lớn nhưng trải qua thời gian cho đến hiện tại, diện tích cồn sau chợ chỉ còn khoảng gần 1 ha.
Tìm đến khu vực cồn sau chợ, thật ngạc nhiên khi chỉ cần cào nhẹ lớp đất xốp cũng đã thấy vương những mảnh gốm vụn, kết quả của những lần khai quật còn sót lại. Gom những mảnh gốm này lại mang đi rửa và quan sát, chúng tôi thấy nhiều mảnh gốm có những hoa văn đẹp được các nghệ nhân ngày xưa chạm khắc một cách khéo léo và tinh xảo.

Một người đang làm mầu khu vực trên cho biết: “Từ khi còn đi học tôi đã được biết đến di chỉ của quê mình trên sách giáo khoa, thế nhưng không biết tại sao không được các cấp chính quyền quan tâm hay bảo vệ, lâu dần rồi người dân cũng chẳng để ý đây là mảnh đất của một nền văn hóa lâu đời”.

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 4
Nghênh Môn thời Lý.

Cũng nằm trong quần thể văn hóa Hoa Lộc như Di chỉ Mã Hờ, thuộc địa phận thôn 5, thôn 6; Nghênh Môn thời Lý, thuộc thôn 7. Nhưng chỉ duy nhất khu di tích Nghênh môn thời Lý được chính quyền địa phương gìn giữ và bảo tồn.

Thực tế cho thấy thì dường như chính quyền địa phương không quan tâm hay có ý kiến gì về việc bảo vệ khu đất được coi là xứ sở của nền văn hóa Hoa Lộc này. Di chỉ Mã Hờ đã bị dùng làm nơi xây dựng trường học, khu tập thể cho giáo viên ở. Cồn sau chợ làm nơi chăn thả gia súc, nơi người dân trồng màu.

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 5

Nền văn hóa trên dưới 4.000 năm đang bị “lãng quên”  - 6
Nằm phía trong của Nghênh Môn thời Lý.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Công An, Chủ tịch mặt trận Tổ Quốc xã Hoa Lộc cho biết: “Vì địa phương không có kinh phí nên việc bảo tồn toàn bộ quần thể văn hóa Hoa Lộc là một việc rất khó khăn, trong khi đó một số nơi hiện nay đã được xây dựng các khu trường học và nhà ở cho các hộ dân cư sinh sống. Hiện tại, địa phương đang quan tâm bảo tồn và gìn giữ di tích lịch sử Nghênh Môn thời Lý, cũng là một di tích nằm trong văn hóa Hoa Lộc”.

Thiết nghĩ bảo vệ Khu di tích khảo cổ quần thể Văn hóa Hoa Lộc đang là một vấn đề cấp bách, nhằm giúp cho việc nghiên cứu về một nền văn hóa đã tồn tại suốt 4000 năm, rất mong các cấp các ngành chức năng quan tâm thực hiện.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên