Nên dừng dự án Bôxít Tây Nguyên nếu không hiệu quả

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, giá trị lớn lao của Tây Nguyên là tài nguyên đất, nước và tài nguyên sinh học chứ chưa phải là tài nguyên khoáng sản. Do vậy, nên dừng dự án khai thác Bôxít Tây Nguyên nếu không hiệu quả và tác động xấu đến môi trường.

Giải pháp bao giờ cũng có sai số

Là người từng nhiều lần chất vấn tại nghị trường về dự án Bôxít ở Tây Nguyên, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, từ trước đến nay ông vẫn giữ quan điểm là dừng dự án. “Quan điểm của tôi từ trước cho đến nay là không khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Chúng ta không thể đánh đổi giữa việc xuất khẩu bôxít lấy tiền với những tác động thiếu tích cực về môi trường, dân sinh và an ninh quốc phòng…”, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Bôxít ở Tây Nguyên sẽ có giá hơn trong tương lai
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Bôxít ở Tây Nguyên sẽ có giá hơn trong tương lai"

Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho biết, từ rất lâu đoàn đại biểu tỉnh này đã có ý kiến về con đường vận chuyển bôxít. Cho đến gần đây đại biểu tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục có ý kiến về con đường này. “Rõ ràng con đường 20 đã quá tải. Việc chở bôxít muốn có hiệu quả phải dùng đến loại phương tiện có trọng tải cao, nếu cải tạo toàn bộ để đáp ứng yêu cầu chi phí sẽ rất lớn”, ông Quốc quan ngại.

Tuy Chính phủ đã cam kết những giải pháp khoa học công nghệ để xử lý vấn đề môi trường trong quá trình khai thác bôxít, ông Dương Trung Quốc vẫn cho rằng những giải pháp bao giờ cũng có sai số. Hơn nữa, đã dùng máy móc tác động, môi trường chắc chắn sẽ thay đổi.

“Tính toán như vậy thì lợi bất cập hại, theo tôi tốt nhất nên dừng dự án. Còn những thiệt hại về việc đầu tư xây dựng nhà máy, tôi nghĩ rằng Vinashin còn giải quyết được thì bôxít cũng giải quyết được”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quốc, dừng dự án bôxít ở Tây Nguyên là để dành tài nguyên cho con cháu mai sau khai thác (khi khoa học kỹ thuật phát triển). Hơn nữa, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, ông Dương Trung Quốc tin rằng bôxít ở Tây Nguyên sẽ có giá hơn trong tương lai.

Cần lắng nghe phản biện của các nhà khoa học

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông không ngạc nhiên khi cảnh báo của những nhà khoa học về dự án Bôxít đang dần đúng. “Trong nhiều năm nay, các nhà khoa học có trình độ, có tâm huyết đã phát biểu rất nhiều ý kiến về hiệu quả kinh tế thấp, tính bất an toàn cao với môi trường của dự án Bôxít Tây Nguyên. Tuy nhiên, các cơ quan tư vấn cho Chính phủ đã thiếu nghiêm túc lắng nghe...”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, giá trị lớn lao của Tây Nguyên là tài nguyên đất, nước và tài nguyên sinh học chứ chưa phải là tài nguyên khoáng sản. Nếu khai thác khoáng sản mà ảnh hưởng đến vùng đất quý giá này thì cần hết sức thận trọng. Các nhà khoa học cho biết, nếu như Tân Rai đạt đến 100% công suất (600 nghìn tấn/năm) thì phải sử dụng tới 1,2 triệu tấn quặng bôxít, 400 nghìn tấn than cám (giá tại Quảng Ninh là 1,6 triệu đồng/tấn), 0,2 triệu tấn than cục (giá tại Quảng Ninh là 4 triệu đồng/tấn), 0,1 triệu tấn hóa chất và đá vôi...
 
Nên dừng dự án Bôxít Tây Nguyên nếu không hiệu quả
Giá trị lớn lao của Tây Nguyên là tài nguyên đất, nước và tài nguyên sinh học chứ chưa phải là tài nguyên khoáng sản

Ông Dũng cho rằng, với chi phí vận hành nhà máy là 2.500 tỷ đồng/năm thì giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai không thể dưới 375 USD/tấn. “Nếu giá bán như thỏa thuận hiện nay thì mỗi tấn alumin chúng ta thua lỗ tới 40 USD (!). Những con số rất thực tế này không đủ để xem xét lại những ý kiến mà rất nhiều nhà khoa học và ĐBQH đã phát biểu trước đây hay sao?”, ông Dũng cho hay.

Nếu Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng lắng nghe ý kiến phản biện về dự án Bôxít của các trí thức là ĐB Quốc hội thì chắc rằng chúng ta sẽ có những bước đi vững chắc hơn khi triển khai dự án Bôxít tại Tây Nguyên.

“Theo tôi với diễn biến thực tế của việc sản xuất và xuất khẩu alumin, cả Ủy ban Kinh tế lẫn Ủy ban Khoa học - Công nghệ của Quốc hội cần vào cuộc và cần tổ chức các cuộc hội thảo hết sức dân chủ và khoa học để lắng nghe mọi ý kiến phản biện của các chuyên gia về khoa học, công nghệ và kinh tế, nhằm có biện pháp tháo gỡ các khó khăn trước mắt và lâu dài đối với một dự án có ảnh hưởng rất lớn đến vùng Tây Nguyên và cả nước ta như dự án này”, GS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị.

Quang Phong