1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Nên để các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định số con"

(Dân trí) - Góp ý vào dự thảo Luật Dân số (sửa đổi), Bộ Công Thương cho rằng, không nên quy định theo hướng áp đặt mà nên quy định để các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền tự quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Trong bản dự thảo Luật Dân số (sửa đổi) mới nhất gửi tới Bộ Tư pháp thẩm tra, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về kế hoạch hóa gia đình.

Phương án thứ nhất: Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con. Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, thu nhập và nuôi dạy con tốt; phù hợp với lợi ích cộng đồng, chuẩn mực xã hội.

Phương án thứ hai: Quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ các trường hợp sau:

a) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

c) Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

d) Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

đ) Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

e) Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.”

g) Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Đề xuất quy định "tối đa 3 con chung" nhưng có điều kiện

Bản tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ ngành cho thấy, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị quy định rõ: Mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con trừ trường hợp đặc biệt để đảm bảo mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước và bảo đảm tăng dân số của các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người. Chính phủ quy định mỗi cặp vợ chồng có nhiều hơn 2 con.

Về quyền quyết định thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, Nhà nước tôn trọng quyền quyết định, trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con của các cặp vợ chồng và cá nhân, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con.

Tuy nhiên, có đại biểu thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Nhà nước có thể quy định số con tối đa là 3 con chung nhưng với các điều kiện: Thứ nhất là cặp vợ chồng sinh con một bề; thứ hai, một trong hai con đầu có những bất ổn về khả năng phát triển ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống của gia đình dòng tộc; thứ ba, vợ chồng đó phải cam kết, đảm bảo được về đời sống vật chất và tinh thần cho những đứa trẻ để chúng được nuôi dạy khôn lớn, mà không đẩy những gánh nặng xã hội.

Trong khi đó, Bộ Công thương cho rằng, không nên quy định theo hướng áp đặt, mà nên quy định theo hướng để các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền tự quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh.

“Quy định như vậy vừa đảm bảo quyền con người cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế về dân số mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh phù hợp và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”- Bộ Công thương góp ý.

Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, thu nhập và nuôi dạy con tốt. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn để phù hợp với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Y tế nhận thấy, mỗi giải pháp đều có những ưu, hạn chế và việc chọn giải pháp nào cũng cần có biện pháp khắc phục những hạn chế.

Đối với giải pháp 1 có nhiều ưu điểm, nhiều tác động tích cực hơn, phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam và tạo tác động tốt với dư luận quốc tế. “Tuy nhiên, cần thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành Luật để tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng về dân số”- cơ quan này cho hay.

Thế Kha