1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Nát bét" quốc lộ 2!

(Dân trí) - Với tổng vốn đầu tư lên đến gần 500 tỉ đồng nhưng dự án cải tạo quốc lộ 2 do PMU18 làm chủ đầu tư đã để lại quá nhiều tai tiếng. Từ tiến độ cho tới chất lượng thi công đều “có vấn đề”. Phải chăng đây là công trình đấu thầu hạn chế nên năng lực thi công của các đơn vị cũng… hạn chế theo?

Hỏng… khắp nơi

 

Dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 2 (Đoan Hùng - Thanh Thủy) do PMU18 làm chủ đầu tư có chiều dài 147,8 km, khởi công vào cuối năm 2001 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2004. Tổng vốn đầu tư là 494,346 tỉ đồng. Đây là công trình đấu thầu hạn chế, có tất cả 10 gói thầu đường và 3 gói thầu cầu.

 

Tháng 3/2005, dự án được khánh thành. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi đưa vào khai thác, mặc dù mới ở giai đoạn bảo hành, chưa bàn giao nghiệm thu nhưng hàng loạt điểm trên tuyến quốc lộ này đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí mặt đường đã bị rạn nứt, tập trung vào các gói thầu từ R1 đến R5. Đặc biệt ở một số cầu, hai đầu cầu có nhiều đoạn bị lún. Hầu hết các điểm tứ nón, khân khay đều nứt toác, thậm chí còn không có cả lớp đệm…

 

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã phải thành lập đoàn kiểm tra và tại kết luận số 372/CGD-GĐ do Cục trưởng cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông ký ngày 14/2/2006 chỉ rõ: “ Gói thầu B1 (12 cầu) Chất lượng đường đầu cầu có tới 7/12 cầu không đạt yêu cầu, đường đầu cầu bị võng, lún, nứt nẻ, vỡ mặt bê tông nhựa…”. Gói thầu B2 (8 cầu) cũng chẳng khá hơn, có 6/8 đường đầu cầu không đạt tiêu chuẩn với những “bệnh” y như gói thầu B1.

 

Ngay cả vật liệu thi công cũng không đáp ứng chỉ tiêu kỹ thuật. Chỉ số dẻo của vật liệu thi công không đạt yêu cầu, độ dầy của bề mặt bê tông nhựa có nơi chỉ 8 cm (tiêu chuẩn kỹ thuật là 15cm), độ chặt của lớp mặt đường bê tông, độ ổn định Marshall, mô đun đàn hồi đều không đạt. Thậm chí, độ bằng phẳng (đo bằng thước đo 3 m) ở toàn bộ các gói thầu cũng... khấp khểnh.

 

Công trình hư hỏng nặng đến mức dù đã gần 6 tháng sau khi khánh thành, vẫn không thể bàn giao được cho đơn vị quản lý, có gói thầu diện tích hư hỏng mặt đường lên đến…1000m2.

 

Và cho đến nay, đã gần một năm sau ngày khánh thành, nhiều điểm hỏng vẫn không thể khắc phục do chất lượng vật liệu thi công quá kém, các chỉ tiêu kỹ thuật về độ chặt, chiều dày lớp móng, mặt đường không đảm bảo…

 

Đấu thầu hạn chế nên năng lực cũng… hạn chế

 

Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành dự án là quý III năm 2004 nhưng các đơn vị đều thi công theo tiến độ… rùa.

 

Ngày 30/6/2004, Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông (QLCL CTGT) đã có báo cáo kết quả kiểm tra hiện trường và tiến độ thi công. Có tới 10/13 gói thầu bị chậm tiến độ. Trong đó, gói R1 chỉ hoàn thành 10 km trên tổng số 19 km, gói thầu R7 dài 19,8 km thì mới hoàn thành… 6 km, gói R9 mới thi công xong 5 km nền và 3 km móng trên tổng chiều dài là 14 km…

 

Tại công văn này, Cục Giám định và QLCL CTGT đã yêu cầu PMU18 phải chọn các nhà thầu có năng lực hỗ trợ để tiếp tục thực hiện dự án.

 

Mặc dù đã có sự nhắc nhở của cơ quan chức năng nhưng dường như các đơn vị thi công không thể “cố” được nữa vì năng lực có hạn. Chính vì vậy, ngày 25/11/2005,  8 tháng sau ngày khánh thành,  Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đã ký văn bản số 7458/BGTVT-CGD đồng ý  gia hạn hợp đồng thi công dự án này. Việc gia hạn kéo theo dịch vụ tư vấn, giám sát cũng ách lại. Và trên thực tế, số tiền phải chi thêm cho dịch vụ tư vấn, giám sát đã lên đến 1,6 tỉ đồng.

 

Cốc mò cò xơi

 

Ngày 1/1/2001, Công ty CTGT 889 (Công ty 889) và Công ty cổ phần Hoa Việt ký kết hợp đồng liên danh. Liên danh này đã có được hợp đồng với PMU18 để thực hiện gói thầu xây lắp công trình R1 (km109+940 - km129) thuộc dự án cải tạo nâng cấp mở rộng quốc lộ 2 đoạn Đoan Hùng -  Thanh Thủy.

 

Liên danh Hoa Việt - Công ty 889 đã chia phần thực hiện công trình R1 theo đó phía Hoa Việt đảm nhiệm 9 km với 35,12 tỉ đồng, còn Công ty 889 đảm nhiệm 10 km và được hưởng 18,49 tỉ đồng.

 

Nhưng bất ngờ, sau khi đã thi công xong 9/10 km thì Công ty 889 rút hết máy móc khỏi công trường, không tiếp tục thi công công trình.

 

Để “giải quyết” sự bỏ dở lạ lùng này, TGĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng đã gửi văn bản đến Bộ GTVT đề nghị chấm dứt hợp đồng với Công ty 889 và điều chuyển khối lượng còn lại sang cho Công ty Hoa Việt.

 

Ngày 22/9/2005, lãnh đạo Bộ có công văn đồng ý với đề xuất này. Công văn nêu rõ: “Toàn bộ khối lượng dở dang của Công ty 889 đã thực hiện nhưng chưa thanh toán sẽ được thanh toán qua cho Công ty cổ phần Hoa Việt”. Ngay sau đó,  PMU18 đã thông báo đến liên danh Công ty 889 - Hoa Việt về việc sẽ không trả tiền cho Công ty 889 mà chuyển hẳn sang cho Hoa Việt. Như vậy,  Hoa Việt đã được “lĩnh” toàn bộ tiền thanh toán thi công công trình.

 

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao Hoa Việt chỉ đảm nhiệm có 9 km mà được hưởng tới trên 35 tỉ đồng trong khi Công ty 889 thi công 10 km thì chỉ được hưởng 18,49 tỉ đồng? Vì sao thi công gần xong thì công ty 889 bỗng bỏ dở công trình để toàn bộ số tiền đã thi công rơi vào tay công ty Hoa Việt? Câu hỏi đang chờ các cơ quan chức năng xác minh bởi Hoa Việt chính là công ty được coi là một trong những doanh nghiệp “sân sau” của TGĐ PMU18 Bùi Tiến Dũng.

 

Đức Hòa