1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nắng nóng bất thường, 20 điểm cháy rừng phát sinh 1 ngày

(Dân trí) - Hơn 1 tuần qua, nắng nóng liên tục hoành hành dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh ở khu vực Tây Bắc. Nắng nóng bất thường làm đảo lộn quy luật phòng chống cháy rừng hàng năm. Cá biệt, có địa phương trong 1 ngày phát sinh đến 20 điểm cháy rừng.

Liên quan đến nội dung trên, ông Lê Đình Thơm - Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) trao đổi với phóng viên về tình hình cháy rừng cũng như những lưu ý trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương.

Theo ông Thơm, đợt nắng nóng vừa qua, vùng có nguy cơ cháy rừng cao nhất là khu vực Tây Bắc, đặc biệt là các tỉnh gồm Sơn La và Điện Biên. Khu vực Tây Bắc, theo quy luật những năm trước, thường mùa cháy rừng diễn ra từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau là kết thúc. Tuy nhiên năm nay, nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao dù đã gần hết tháng 4 và còn có khả năng kéo dài tiếp đến tháng 5.

"Thực tế, trong những ngày vừa qua có những tỉnh phát hiện đến 20 vụ cháy. Đó chính là biểu hiện khác thường do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng năm nay" - ông Thơm nói.

Nắng nóng bất thường, 20 điểm cháy rừng phát sinh 1 ngày  - 1

Ông Lê Đình Thơm - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Về việc đôn đốc và chỉ đạo các đoàn công tác của Cục Kiểm lâm tại những điểm cháy rừng, ông Thơm cho biết, qua kiểm tra, các đoàn công tác nhận định, các địa phương đã rất chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, khi có phát hiện cháy rừng đã kịp thời huy động các lực lượng tại chỗ để dập tắt đám cháy, nên có những tỉnh mặc dù điểm cháy rất nhiều, đến 20 vụ, nhưng diện tích bị cháy, theo báo cáo, mức độ thiệt hại không lớn. Cục Kiểm lâm cũng lưu ý, các địa phương không được chủ quan đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng. 

Ông Thơm chỉ rõ, khu vực Tây Bắc, mặc dù theo quy luật đến nay đã hết mùa cháy rừng nhưng thực tế nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao. Điều đặc biệt là như thường lệ, cháy rừng diễn biến theo từng thời điểm.

"Ví dụ, thời điểm này là cao điểm cháy rừng ở Tây Bắc, và miền Bắc, còn thời điểm khác là cao điểm ở phía Nam. Nhưng năm nay, trong những ngày qua, cháy rừng với mức dự báo cấp 5 rải đều trên địa bàn cả nước, ở cả miền Trung và phía Nam" - ông Thơm nói.

Trước dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí kéo dài sang tháng 5, ông Thơm cho biết, Cục Kiểm lâm cũng như các địa phương đã có kế hoạch cụ thể cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cụ thể, đối với các chủ rừng cũng như những người có các hoạt động liên quan đến rừng, làm nghề rừng phải tuân theo theo quy định pháp luật về lâm nghiệp. Trước hết, các chủ rừng phải kiểm tra rà soát lại phương án phòng cháy chữa cháy rừng sát với thực tiễn và triển khai trên thực tế.

"Vấn đề then chốt về công tác phòng cháy chữa cháy rừng là "kiểm soát được nguồn lửa". Dù nguy cơ cháy rừng có cao đến bao nhiêu nhưng nếu kiểm soát tốt được nguồn lửa thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại và khống chế cháy rừng xảy ra. Điều này được thể hiện trong Công điện của Bộ NN&PTNT, cũng như trong chỉ đạo của Cục Kiểm lâm là làm sao dừng hết các hoạt động dùng lửa trong sản xuất, các hoạt động khác, nhất là những khu vực có hoạt động du lịch, hoạt động tâm linh"-  ông Thơm nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thơm, đối với chủ rừng cũng như lực lượng kiểm lâm cơ động, cần đảm bảo trực 24/24 giờ, kiểm soát người ra vào rừng và nắm bắt, phát hiện sớm các vụ cháy rừng.

Một trong những nội dung trong phương châm "4 tại chỗ" phòng cháy chữa cháy rừng đó là phát hiện sớm các đám cháy khi vừa mới xuất hiện để tổ chức dập tắt nhanh hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đồng thời đảm bảo chế độ thông tin 2 chiều. Thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng, phát hiện điểm cháy qua trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm và thông tin báo cháy từ mặt đất. Chiều ngược lại, khi có cháy rừng xảy ra cần kịp thời báo cho chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng để xử lý kịp thời cũng như quá trình chỉ đạo tổng thể trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Nguyễn Dương