1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nâng khống giá thiết bị y tế, viện Bạch Mai không phải nơi đầu tiên

Phương Thảo

(Dân trí) - “Bệnh viện Bạch Mai không phải vụ án đầu tiên cũng sẽ không phải vụ cuối cùng liên quan đến hoạt động nâng khống giá thiết bị y tế này” – Chánh Văn phòng Bộ Công an nhận định.

Việc đẩy giá thiết bị y tế, theo phản ánh, thực tế không chỉ xảy ra ở bệnh viện Bạch Mai mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/10, vấn đề được đặt ra là, sau vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội, Bộ Y tế đã có yêu cầu rà soát các hoạt động liên doanh liên kết, “gửi” thiết bị khám chữa bệnh tại các bệnh viện, kết quả công việc này đến nay ra sao? Vụ án tại bệnh viện Bạch Mai được điều tra thế nào, đã xác định sai phạm của những người từng là lãnh đạo bệnh viện này vừa bị khởi tố?

Nâng khống giá thiết bị y tế, viện Bạch Mai không phải nơi đầu tiên - 1

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin về vụ án bệnh viện Bạch Mai.

Trả lời câu hỏi, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, từ vụ án của bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra sẽ phải căn cứ vào lời khai của bị can để tính toán tới việc điều tra mở rộng.

“Bệnh viện Bạch Mai không phải vụ án đầu tiên cũng sẽ không phải vụ cuối cùng liên quan đến hoạt động nâng khống giá thiết bị y tế này. Diễn tiến vụ án đến đâu chúng tôi sẽ điều tra đến đó” – người phát ngôn Bộ Công an khẳng định.

Tham gia trả lời vấn đề nêu ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khái quát, chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Về góc độ điều hành, Chính phủ hiện đã có 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động này. Bộ Y tế cũng có Thông tư 04 quy định về việc lắp đặt thiết bị y tế, khai thác tại các bệnh viện công.

Việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế, thực tế giúp ngành y tận dụng được công nghệ cao, giúp các cơ sở y tế trong điều kiện nguồn vốn có hạn có thể mở rộng hoạt động phục vụ người dân.

Nâng khống giá thiết bị y tế, viện Bạch Mai không phải nơi đầu tiên - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời câu hỏi của báo chí.

Thứ trưởng Sơn khẳng định, thầy thuốc điều trị bệnh cũng là người được thụ hưởng từ chính sách này. Thông qua việc vận hành, khai thác các máy móc hiện đại, rorbot phẫu thuật, các y bác sĩ đuợc cọ sát thực tế, nâng cao tay nghề để phục vụ người dân. Người dân thì đỡ phải ra nước ngoài khám chữa bệnh khi trong nước đã có đầy đủ máy móc, điều kiện, với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại của hoạt động liên doanh liên kết, xã hội hóa đầu tư y tế chính là việc nâng giá các thiết bị.

Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, thông qua vụ án tại bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát hoạt động kiểm tra, phê duyệt giá các thiết bị và giá dịch vụ y tế điều trị tự nguyện tại các bệnh viện.

Cũng từ vụ việc tại bệnh viện Bạch Mai hay vụ tiêu cực tại CDC Hà Nội, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng vừa ký Chỉ thị 20, yêu cầu các cơ quan y tế trong cả nước rà soát lại việc xã hội hóa đã thực hiện ở các bệnh viện, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng, công khai gía dịch vụ y tế để người dân được lựa chọn.

Việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã được Thủ tướng chỉ đạo từ cuối năm 2018 đầu 2019 về giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Bộ đã dự thảo thông tư về việc này trong quý I, quý II/2019 nhưng để ban hành cần sự chấp nhận của các bộ ngành và phụ thuộc vào tình hình, yêu cầu, kiểm soát giá tiêu dùng, không để CPI tăng quá mức. Sau đó thì dịch bệnh Covid-19 lại xảy ra, thông tư này bị dừng lại.

Trước mắt, để tăng cường kiểm soát, Bộ Y tế đã thực hiện công khai giá thuốc, thiết bị y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ để giúp các đơn vị khi mua sắm tham khảo và tuân thủ cho đúng mức chi phí.

Thứ trưởng Sơn cũng nêu thời hạn đến 31/12/2020 sẽ hoàn tất việc buộc mọi cơ sở y tế công khai giá thiết bị y tế cũng như giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.