1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thái Bình:

Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân

(Dân trí) - Nhiều km ngoài đê sông Luộc trên địa bàn xã Điệp Nông (Hưng Hà - Thái Bình) đang bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát bừa bãi. Địa phương dường như cũng bất lực trước lời kêu cứu của nông dân mất đất.

Hàng chục ha đất canh tác 3 vụ/năm của người dân ở xã Điệp Nông đang bị sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều nông dân mất trắng hoa màu và đất canh tác. Nguyên nhân được người dân cho biết là do sông Luộc bị nhiều đối tượng lạ ở địa phương khác đưa tàu thuyền hút cát không có số hiệu, biển hiệu đến trộm cát. Vòi hút của “cát tặc” chĩa thẳng vào đê chắn hoa màu, ruộng canh tác của người dân, gây ra hiện tượng sạt lở, nứt nẻ, cuốn trôi nhiều ngàn m2 đất.

 

Ghi nhận của PV Dân trí, trên đoạn đê sát sông Luộc khu vực đất canh tác của nông dân xã Điệp Nông bị sạt lở nghiêm trọng. Những hố ngoạm sâu trên 3m, dài gần 1km. Hàng chục hộ nông dân đã nộp đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng mong được can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi gì.


Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân

Mép sông bị sạt lở

 

Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân

Sông đang "nuốt" hết đất canh tác của dân

Bà Nguyễn Thị Mùa có ruộng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng cho biết, thời gian gần đây có một doanh nghiệp làm đường đi qua địa phương để khai thác, vận chuyển cát, gây ảnh hưởng đến ruộng hoa màu người dân.

 


Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân
Người dân cho biết bãi tập kết cát này chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động

Đưa chúng tôi ra mép sông Luộc, tại khu vực sạt lở, ông Nguyễn Văn Hường, 50 tuổi chỉ tay sang bên kia bờ là đất thuộc tỉnh Hưng Yên, nói: “Bờ bên kia được kè đá nên người dân ven sông không bị làm sao. Lòng sông bên này bị khoét sâu đến hơn chục mét, mỗi khi thủy triều lên, tàu chạy trên sông khiến sóng đánh vào bờ, từng tảng đất lở ùm ùm xuống sông. Chúng tôi lo ngại sắp tới đất canh tác của người dân chúng tôi bị trôi tuột hết”.

 

Theo lời ông Hường, nạn khai thác cát đã diễn ra từ năm trước nhưng mới ở vào diện nhỏ lẻ, khoảng vài tháng trở lại đây thì có nhiều tàu thuyền cỡ lớn, chở máy móc ở đâu đến ngang nhiên khai thác cát. Cát được tập kết lại sát bờ, rồi các xe chở thẳng đến bãi cát của bà Phương Anh, sau đó cát được tiếp tục chở đi làm công trình.

 

Người dân địa phương cũng dẫn chúng tôi đến chứng kiến núi cát trên 30.000 m3 đổ ở một góc bãi bồi, vốn trước đây cũng là ruộng lúa. Theo đó, để có được bãi tập kết cát, bà Phương Anh đã cho người liên hệ thoả thuận “mua lại” đất trồng hoa màu của dân với giá hơn 30 triệu đồng/sào để lấy làm bãi tập kết, thu mua cát làm nền đường Thái Hà nối Hà Nam với Thái Bình dài gần 30 km, chạy qua địa bàn huyện Hưng Hà mà Công ty Phương Anh là doanh nghiệp trúng thầu.

 

Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân
Đau đầu với nạn cát tặc gây ảnh hưởng đến ruộng canh tác nông dân, Chủ tịch UBND xã Điệp Nông đã làm nhiều tờ trình để báo cáo lên các cấp đề nghị xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khả thi.
 
Nạn cát tặc “nuốt” đất canh tác của nông dân
Ông Trần Duy Mạc - Chủ tịch xã Điệp Nông: Cấp xã không có quyền bắt giữ được tàu cát không số. Chỉ có thể đứng trên bờ đuổi

 
Làm việc với PV Dân trí, ông Trần Duy Mạc - Chủ tịch UBND xã Điệp Nông thừa nhận nạn “cát tặc” đã ngang nhiên xâm nhập vào xã Điệp Nông để hút trộm cát bgây sạt lở mất đất cách tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất hoa màu hàng chục nông dân trong xã.

 

Lòng sông Luộc đoạn thuộc địa phận xã Điệp Nông không có phép đồng ý cho khai thác của cơ quan chức năng, thế nhưng nhiều tàu lớn không số ở đâu đến hút lậu. UBND xã đã yêu cầu lực lượng công an xã xử lý nhưng cũng không có phương tiện ra giữa sông để bắt giữ, đành chấp nhận…đứng nhìn.

 

Đáng chú ý là bãi tập kết cát của bà Phương Anh không được cấp phép sử dụng, hoạt động nhưng họ đã đưa vào hoạt động thời gian qua là trái phép. Trước kêu cứu của nông dân bị ảnh hưởng, ông Mạc cho biết đã liên hệ với bà Phương Anh yêu cầu có phương án đền bù hỗ trợ cho người dân càng sớm càng tốt.

 

Trong tờ trình gửi báo Dân trí và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, ông Mạc nêu rõ: Từ khi có bãi trung chuyển vật liệu để khai thác cát phục vụ cho công trình đường cao tốc Thái Hà thì mức độ khai thác cát bừa bãi trên dòng sông khu vực bãi khu 1 xã Điệp Nông lại càng phức tạp và gia tăng hơn.

 

Từ đó dẫn tới lở mất đất canh tác của nhân dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, gây bức xúc trong nhân dân và mất an ninh nông thôn. UBND xã, công an xã nhiều lần ngăn cấm và yêu cầu đình chỉ việc khai thác cát bừa bãi này, song do điều kiện phức tạp và tàu lại ngoài sông nên không xử lý được.

 

Ông Mạc khẳng định: “Trước mắt chúng tôi đã quyết định đình chỉ các hoạt động trên sông Luộc, đình chỉ ngay các hoạt động vận chuyển, tập kết cát của bà Phương Anh trên khu vực bến sông xã Điệp Nông để đề nghị lên UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN&PTNN tỉnh Thái Bình vào cuộc xem xét có phương án giải quyết sớm nhất để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân trong xã”.

 

 Quốc Đô - Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm