TPHCM:
Nạn bảo kê xe quá tải làm “méo mó” thị trường vận tải!
(Dân trí) - “Tại TPHCM đang có vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải, tạo ra sự bất bình đẳng, vi phạm pháp luật, gây méo mó thị trường vận tải. Thậm chí, có tình trạng xe biển số đỏ cũng đang chở quá tải”.
Ông Thái Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho biết như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý I/2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, diễn ra tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng nay (24/4).
Theo ông Chung, cách đây 2 ngày ông có xuống khảo sát một bãi xe ở quận 7, thấy có hiện tượng bãi xe của doanh nghiệp lớn nhưng lại có nhiều xe thương hiệu khác nhau. Khi thắc mắc thì họ nói nếu không mang thương hiệu khác thì không chạy được, lí do là bởi tại TPHCM đang có vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải.
“100% xe chở quá tải công khai. Vấn nạn bảo kê cho xe chở quá tải tạo ra sự bất bỉnh đằng, vi phạm pháp luật, gây “méo mó” thị trường vận tải. Thực tế hoạt động đang diễn ra tình trạng mua bán logo thương hiệu và mang lại nguồn lợi lớn khổng lồ, với số tiền từ 3,5 - 5 triệu đồng/xe/tháng hoặc 6 triệu đồng/xe/tháng. Nhân số lượng xe đang được bảo kê sẽ thấy lực cản vô hình, quyết tâm dẹp nạn xe quá tải năm 2015 nhưng liệu năm 2016-2017 có lập lại tình trạng này không?” - ông Chung cho hay.
Mang sự kỳ vọng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến Hội nghị này và tin tưởng quyết tâm của Chính phủ, nhưng ông Chung cho rằng với hiện trạng nói trên thì không thể không lo lắng. Bởi, từ việc quá tải dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, chủ hàng chân chính sẽ luôn thuê đơn vị có giá thành thấp hơn, phải vay vốn ngân hàng đầu tư xe, nhưng hoạt động ở cùng thương trường vận tải thì xe chở quá tải đương nhiên được lợi nhiều hơn.
Tại TPHCM, 100% xe quá tải hoạt động công khai do có vấn nạn bảo kê (ảnh chỉ có tính chất minh họa)Theo ông Chung, không chỉ là xe ô tô mang biển dân sự chở quá tải, thời gian gần đây tại TPHCM và Vũng Tàu doanh nghiệp phản ánh có tình trạng xe biển số đỏ cũng chở quá tải. Chưa hết, nhằm kiểm soát tải trọng xe tận gốc, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà ga bến cảng kiểm soát đầu ra tốt nhưng gần như không kiểm soát đầu vào, đơn cử như việ nhiều nơi hệ thống sản xuất xi măng chưa kiểm soát tải trọng.
Xin phép không nêu tên cụ thể doanh nghiệp nào phản ánh những thông tin trên, song Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an vào cuộc điều tra việc mua bán thương hiệu logo đang diễn ra ở TPHCM. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng sớm sửa luật giao thông đường bộ, điều phối vai trò của chủ hàng, đối tượng phải đồng bộ.
“Mức xử phạt chủ hàng và tổ chức xếp dỡ, đề nghị nâng lên bằng mức xử phạt chủ xe; nâng mức xử phạt chủ phương tiện cá nhân bằng mức phạt doanh nghiệp, để tránh trường hợp doanh nghiệp sử dụng giấy phép cá nhân để lách luật quá tải. Đối với tình trạng cố ý có hành vi chống đối lực lượng chức năng thì cần xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm cho cả cá nhân, tổ chức có hành vi chở hàng quá tải gây ra hậu quả nghiêm trọng” - ông Chung cho hay.
Với những vấn đề nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra ngay tình hình được Hội hội Vận tải hàng hóa TPHCM nêu ra để sớm có hướng xử lý, nhằm lập trật tự vận tải, thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh.
Cũng tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Qúy Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng, vấn đề xử lý xe quá tải còn nhiều tồn tại là do còn bộ phận doanh nghiệp, chủ hàng chủ xe thực hiện chưa nghiêm quy định. Thứ trưởng Vương thừa nhận, một số địa phương trong rà soát bổ sung quy định phối hợp kiểm tra kiểm soát tải trọng xe của liên Bộ Công an - Giao thông chưa được tốt, nhất là trong phân công nhiệm vụ giữa cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông nên có sự thiếu sót của hai lực lượng.
“Dư luận phản ánh nhiều xe quá tải lén hoạt động vào đêm, đi vào tuyến đường liên huyện liên xã, phải chăng đó là dấu hiệu tiêu cực trong tuần tra kiểm soát? Xe có logo chạy ầm ầm mà không có ai kiểm tra, không ai ngăn chặn như báo chí nêu, thì liệu có xe vua, vùng cấm?” - Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Với vấn đề đưa hối lộ, nhận hối lộ, cò môi giới, dẫn dắt để tránh trạm cân… Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đặc biệt lưu ý và đề nghị siết lại để dứt khoát không có chuyện vùng cấm, bảo kê và làm ngơ trong vấn đề bảo đảm an toàn giao thông.
Châu Như Quỳnh