Nam Định, Thái Bình sẵn sàng mọi phương án ứng phó với bão số 3
(Dân trí) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, hai tỉnh ven biển Nam Định và Thái Bình đã lên phương án sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Nam Định: Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện vận chuyển để ứng cứu kịp thời các tình huống bất thường xảy ra
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định ra Công điện số 02/CĐ-PCTT yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh sẵn sàng phương án ứng phó với cơn bão số 3.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn trên diện rộng, ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra, hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; đồng thời nâng cao ý thức người dân, các chủ phương tiện tàu thuyền nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cơ quan chức năng tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại bến để đảm bảo an toàn về người và tài sản…
Nam Định đã chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện vận chuyển để ứng cứu kịp thời các tình huống bất thường xảy ra. Các địa phương trong tỉnh đã rà soát, lập danh sách các hộ dân đang ở trong nhà tạm, nhà yếu, có phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.
Tỉnh Nam Định hiện có trên 2.100 tàu thuyền với trên 6.000 lao động; trong đó có 559 tàu với gần 2.490 lao động đánh bắt xa bờ, còn lại là các tàu đánh bắt gần bờ. Ở khu vực ven biển, Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân.
Thái Bình: Hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão; hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương giữ thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú; triệt để tiêu nước, khơi thông dòng chảy, mở cống tiêu, đóng cống tưới, bảo đảm an toàn lưới điện; chuẩn bị phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm ven sông, ven biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; có phương án chằng, chống lồng, bè; đồng thời chủ động kiểm tra vật tư, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố theo phương châm 4 tại chỗ, kể cả công trình đang thi công.
Công điện khẩn số 06/CĐ-PCTT của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đang thi công các công trình phòng, chống lụt bão khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, trong đó đặc biệt chú ý đến công tác bảo đảm an toàn cho cống Muối, không để xảy ra tình huống nguy hiểm khi có lũ bão.
Giao Sở NN&PTNT căn cứ vào diễn biến của bão số 3 để chủ động tham mưu với tỉnh về thời gian cấm biển đối với các phương tiện, không để các phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm; chủ động kiểm soát tàu, thuyền và ngư dân trên biển; nắm chắc số lượng người dân canh tác, hoạt động vùng ven biển để có phương án di dời khi cần thiết.
Tỉnh ủy Thái Bình quán triệt, nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật...
Đức Văn