1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Năm 2019, đường dây nóng nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai

(Dân trí) - Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Năm 2019 đường dây nóng đã tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 vừa diễn ra, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổng cục đã quán triệt tinh thần cải cách hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động được đẩy mạnh, 100% văn bản đi, đến (trừ văn bản mật) được xử lý, cập nhật hoàn toàn trên hệ thống hồ sơ công việc.

Cơ quan này đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cho 63/63 tỉnh, thành phố; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng chất lượng đất, tình trạng thoái hóa đất trên phạm vi cả nước.

Năm 2019, đường dây nóng nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai - 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến.

Đồng thời tập trung chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện một số giải pháp tiếp tục đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đến nay cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận lần đầu tổng hợp từ kết quả thực hiện của các địa phương đạt trên 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp.

“Kết quả này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật đất đai”- lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai cho hay.

Hiện nay, cả nước có 165/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 46 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 96/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung giá đất, Tổng cục Quản lý đất đai đã trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện việc xây dựng bảng giá đất để áp dụng trong giai đoạn 2020 - 2024; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thẩm tra Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong năm 2019, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai, trong đó đã ban hành 350 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; 180 văn bản hướng dẫn công dân nêu kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; chuyển Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết 7 kiến nghị…

Năm 2019, đường dây nóng nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai - 2

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả Tổng cục Quản lý đất đai đã đạt được. Năm 2020, bà Hoa yêu cầu cơ quan này hoàn thành đúng hạn việc trình Chính phủ xem xét đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo kế hoạch; hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Hoàn thành dứt điểm công tác đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường và triển khai thực hiện tốt Đề án tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2016-2020.

Tổng cục Quản lý đất đai cũng phải tập trung hoàn thành lập nhiệm vụ quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh. Hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng và áp dụng khung giá đất cho giai đoạn 2020 - 2024.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đưa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.

Thế Kha