1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khánh Hòa:

“Mục sở thị” nơi nuôi dê duy nhất ở phố biển

(Dân trí) - Ít ai ngờ, ngay bên lòng thành phố biển Nha Trang lại có một vùng nuôi dê bách thảo, dê cỏ với hơn 1.000 con. Nghề nuôi dê trên thảo nguyên có vô vàn điều thú mà có lẽ ít ai biết…


Nuôi dê bên lòng phố

Cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 10km về phía Nam, vùng đất Phước Đồng từ lâu được biết đến là vùng nuôi dê duy nhất ở thành phố này. Ông Phạm Thái Học (58 tuổi, thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng), cho biết, gia đình ông nuôi dê cách đây hơn 5 năm. Ban đầu, vùng đất Phước Lộc, nơi gia đình ông sinh sống đất đồi rất rộng, chỉ có con trai ông mua dê về thả “lụi”. Lâu dần, đàn dê có vẻ thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và lớn rất nhanh.

Từ thực tế gia đình khó khăn, ông Học tìm tòi, nghiên cứu rồi vay gần 30 triệu đồng thả 10 con dê cái và 1 con dê đực. Từ đó đến nay, đàn dê của gia đình ông sinh sản không ngừng, đến nay đã có hơn 60 con. Dê ở Phước Đồng là dê bách thảo hoặc dê cỏ được chăn nuôi để lấy thịt. Dê được nuôi 6 tháng thì xuất bán, cân nặng trung bình khoảng 25-30kg.

Nghề nuôi dê ở Phước Đồng, Nha Trang.
Nghề nuôi dê ở Phước Đồng, Nha Trang.

Tuy vậy, trong đàn dê của gia đình ông Học, một số con từ 4 đến 5 năm tuổi, nặng 45- 50kg; dê con mới sinh nặng khoảng 7-8kg. “Dê chủ yếu ăn lá rừng ở trên đồi như: lá giang, lá xoài, lá mít, lá sung… Ban ngày lùa dê lên đồi để dê tự kiếm ăn. Ban đêm, đàn dê lại được lùa về chuồng. Chuồng dê thì làm bằng gỗ, mái lợp tôn, chia từng ngăn nhỏ để dốt”, ông Học, nói về nghề nuôi dê.

Hiện dê bách thảo có giá 140.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình ông Học bán 2 lượt dê, thu về từ 40-50 triệu đồng. “Mới đây gia đình tôi xuất bán 10 con dê tơ, thu về khoảng 30 triệu đồng”, ông Học, chia sẻ.

Trong khi đó, anh Võ Đình Toàn (thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng), người có đàn dê hơn 20 con - cho biết, nuôi dê ít tốn kém vì nó tự kiếm ăn. Tận dụng đất đồi rộng, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, dễ kiếm, anh Toàn tâm sự đang tính chuyện nhân rộng số lượng đầu dê.

“Dê khi mới sinh thì nặng khoảng vài kilogam. Sau khi sinh được một buổi thì dê con có thể đi đứng được. Khoảng 5 đến 10 ngày thì dê con có thể theo mẹ, theo đàn lên đồi đi kiếm ăn xa”, anh Toàn - tâm sự về quá trình phát triển của dê.

Dê là loài dễ nuôi, nhanh lớn.
Dê là loài dễ nuôi, nhanh lớn.

Điều “thú vị” về dê!

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng), cho biết, dê có 2 loại chính là dê bách thảo và dê cỏ, ngoài ra có một số loại dê lai tạo. Dê mẹ bách thảo sinh 2 con và mỗi năm sinh 2 đến 3 lứa. Trong khi đó, dê cỏ mẹ thường sinh lứa đầu 1 con, những lứa tiếp theo sinh 2 con.

Cân nặng tối đa của dê bách thảo thường đạt 45-50kg/con, còn dê cỏ chỉ đạt từ 35-40kg/con. So với dê bách thảo, thịt dê cỏ được nhiều người đánh giá là chắc thịt và thơm ngon hơn.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (TP Nha Trang), cho biết, nghề nuôi dê trên địa bàn xã đã có khoảng 10 năm nay và hiện toàn có hơn 1.000 con dê.

Nhờ nuôi dê, một số hộ đã khấm khá hơn, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sắp tới, địa phương sẽ tính tới phương án lập các tổ, nhóm nuôi dê tập trung để hỗ trợ, giúp nhau chăn nuôi, phát triển.

Ông Nguyễn Minh Tuyết (thôn Phước Thượng), một người nuôi dê lâu năm ở xã Phước Đồng, chia sẻ, khi nuôi dê thì thường cho uống nước muối hoặc treo các bao nilong muối ở trong chuồng để dê liếm. Khi đã quen với muối, nếu dê bỏ đi xa vài ngày, bất chợt “lên cơn” thèm mặn thì dê tự tìm về chuồng.Ngoài ra, vẫn có một loại “dê lai bò”, nhưng ít được nuôi hơn. Loại dê này có đặc điểm là màu lông vàng, thịt hôi, mùi mồ hôi rất khó chịu và cân nặng từ 70-80kg/con. “Dê lai bò nó to như con bò. Ngồi xa hàng chục mét nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi do mồ hôi tiết ra. Loại dê này giá thương phẩm thấp hơn dê bách thảo một nửa nên ít ai nuôi”, bà Nguyệt, so sánh.

Theo ông Tuyết, dê bách thảo ít khi mắc bệnh, nhưng khi đã mắc thì phải biết cách chữa trị. “Dê thường hay bị đầy hơi do ăn sương trên lá cây vào sáng sớm. Khi dê bị đầy hơi thì phải dùng quả bồ kết đốt lên trộn với xà bông rồi cho vào hậu môn thì hơi sẽ tự tan”, ông Tuyết, bật mí.

Một số hộ dân nuôi dê có kinh nghiệm ở Phước Đồng chia sẻ không nên cho dê giao phối cùng huyết thống. Nếu có tình trạng cận huyết thì dê con sinh ra sẽ rất còi cọc, dị tật, chậm lớn.

Viết Hảo