Mưa lớn cộng thủy điện xả lũ, nhiều nơi ngập sâu
(Dân trí) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa lớn trong vài ngày qua cộng với các thủy điện ở thượng nguồn xả lũ nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ngập nước sâu gây thiệt hại hàng trăm ha hoa màu. Mưa lũ cũng làm một người tử vong và 3 người mất tích.
Chiều 3/12, trên địa bàn huyện Nông Sơn, do thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ làm nước trên sông Thu Bồn dâng cao khiến nhiều xã của huyện này bị chia cắt.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - cho biết, đến chiều ngày 3/12, cả 7/7 xã của huyện đều ngập cục bộ. Tuyến đường ĐT 611 từ xã Quế Lộc đi xã Quế Trung ngập lụt hoàn toàn từ 3h sáng ngày 3/12, các tuyến đường từ huyện trung tâm đi các xã cũng đều bị ngập.
Ông Thủy cũng cho hay, trên địa bàn huyện Nông Sơn có 1 em học sinh lớp 8 bị đuối nước. Nạn nhân là em Phùng Quốc Dũng đang học tại trường THCS Quế Lộc.
Hiện lãnh đạo huyện Nông Sơn đã cử lực lượng đến các xã bị ngập lụt để sơ tán người dân đến nơi cao. Huyện cũng đã có văn bản yêu cầu cử lực lượng trực 24/24h để nắm bắt tình hình về ngập lụt cũng như di dời dân đến nơi an toàn, bố trí lực lượng công an canh gác các tuyến đường bị ngập lũ tránh tình trạng người dân qua lại nguy hiểm đến tính mạng. Về thiệt hại, các xã chưa báo về nên chưa có con số cụ thể.
Trên địa bàn TP Tam Kỳ, mưa lớn kèm với việc hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ nên cũng làm ngập nhiều nơi. Các xã Tam Thăng, Tam Phú và các tuyến đường ở TP Tam Kỳ bị ngập nặng. Tại khu vực chợ Tam Kỳ cũng bị ngập sâu, nhiều tiểu thương phải di chuyển hàng hóa lên chỗ cao tránh hư hỏng. Đặc biệt, tại khối phố 6, phường Phước Hòa (TP Tam Kỳ) toàn bộ khu dân cư bị ngập trong nước, nhiều người phải dùng ghe di chuyển đồ đạc chạy lũ.
Trao đổi với PV, nhiều người dân ở TP Tam Kỳ cho hay, nhiều năm nay ở khu vực thành phố này mới xảy ra lụt lớn như vậy. Ông Phan Văn Liền (trú TP Tam Kỳ) chia sẻ: “Mấy năm nay mới xảy ra lụt lớn ở thành phố này. Hôm qua mực nước sông Tam Kỳ vẫn còn thấp, nhưng sáng nay đã thấy nước vào đến nhà. Nước dâng đột ngột vào ban đêm làm cho người dân trở tay không kịp”.
Tại các xã Tam Đàn, Tam Đại… (huyện Phú Ninh) cũng bị ngập nước do mưa lũ, người dân đi lại rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Thế Vinh – Chủ tịch xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), mưa lớn cũng làm nhà ông Đoàn Văn Bá và Đoàn Văn Cam (cùng trú thôn Phước Lợi) sụp đổ. Thiệt hại ban đầu ước tính 40 triệu đồng/hộ. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình và yêu cầu các hộ dân sống gần khu vực núi đề phòng nguy hiểm xảy ra.
Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam (đơn vị quản lý hồ Phú Ninh) - cho biết, do mưa lớn kéo dài nên hồ Phú Ninh xả lũ với lưu lượng 500 m3/s để điều tiết mực nước trong hồ về mức thấp để đón lũ.
Cũng theo ông Hải, do hồ xả lũ nên tối ngày 3 và rạng sáng ngày 4/12, một số khu vực ở TP Tam Kỳ và một số xã huyện Núi Thành sẽ bị ngập. Trước khi xả lũ đơn vị cũng đã thông báo đến người dân vùng hạ lưu nhằm phòng tránh lũ. Tuy nhiên, hiện nước về hồ Phú Ninh đã giảm.
Bình Định: Hồ chứa không xả lũ, hạ du vẫn ngập nặng
Đến sáng 3/12, tại Bình Định nước lũ đang rút chậm nhưng một số vùng hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh nhiều nhà dân vẫn còn bị ngập, một số tuyến giao thông bị chia cắt…
Ghi nhận của PV Dân trí, sáng 3/12, thời tiết tại Bình Định đã bắt đầu nắng, mực nước trên các sông đang rút chậm. Tuy nhiên, các vùng hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh một số khu dân cư vẫn còn cô lập, nhiều tuyến giao thông vẫn ngập nước từ 0,4- 0,6m, gây khó khăn trong việc đi lại của nhân dân. Tại tuyến đường Tỉnh lộ ĐT 640 huyện Tuy Phước đi Cát Chánh (huyện Phù Cát) nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu, người dân phải đi lại bằng sõng (thuyền) hoặc xe tải. Tại tuyến Tỉnh lộ ĐT 636 B đoạn qua xã Phước Hòa đi thị xã An Nhơn cũng bị ngập nước.
Theo người dân vùng rốn lũ Tuy Phước, 3 năm nay, tại Bình Định không có một trận lũ nhưng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 3 đến 30/11), người dân tỉnh này đã phải hứng 2 đợt lũ liên tiếp khiến người dân điêu đứng. Người dân nghi ngờ các hồ chứa xả mới xảy ra ngập lớn, thế nhưng người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định khẳng định không có chuyện các hồ chứa xả lũ.
Sống ở vùng rốn lũ, vợ chồng chị Phạm Thị Hồng Liên (thôn Lạc Điền, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) có thừa kinh nghiệm ứng phó với lũ nhưng chỉ trong vòng 1 tháng phải “vật lộn” với 2 trận lũ khiến chị cũng bơ phờ. “Lũ lần này lớn hơn đợt hồi đầu tháng 11, dân vùng này sống chung với lũ quen rồi. Khi nghe có lũ về mình chủ động kê tài sản lên cao nên giảm bớt thiệt hại nhưng còn vật nuôi nếu lũ lớn bị chịu không cứu được. Lũ đợt này không lớn như năm 2013 nhưng nước ngập vào nhà cả gần 1m, mấy con heo nái đang mang thai bị ngâm nước bạc đã hư thai. Thiên tai là do ông trời, còn việc có xả lũ không thì người dân làm sao biết được” - chị Liên nói.
Còn bà Nguyễn Thị Su (70 tuổi, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa), dù đã kinh qua nhiều trận lũ lịch sử năm 1999 hay năm 2013, nước vào ngang nhà nên nhắc đến lũ đã thành nỗi ám ảnh đối với bà. “Mỗi khi nghe tivi báo có lũ tôi chỉ lo nhà cửa sập, tài sản cuốn trôi theo lũ. Hôm nay, trời mới hửng nắng, nước lũ rút chậm nhưng đỡ lo. Chứ 3-4 hôm rồi, trời mưa dữ lắm không dám mở cửa, điện cúp thì cúp”- bà Su lo lắng.
Trước nghi ngờ các hồ chứa xả lũ mới gây ngập vùng hạ du, ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định khẳng định không có chuyện các hồ chứa trên địa bàn xả lũ. “Nguyên nhân xảy ra 2 trận lũ vừa qua là do thời tiết thất thường. Chủ yếu là do mưa lớn những ngày qua, lượng mưa trên địa bàn tương đối lớn, bình quân 230 mm”, ông Hổ nói.
Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, khẳng định: “Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa. Việc ngập lụt ở các huyện có nhiều nguyên nhân chứ không phải do hồ Định Bình xả lũ. Khi nước lũ về đầy hồ thì nước sẽ tự qua tràn”.
Hiện nay, mưa lũ đã khiến 7 người chết, 3 người bị thương và gần 4.000 nhà dân, 1.850 giếng nước bị ngập và 8.146/ 10.125 ha đã bị ngập, lúa đã ngâm ủ giống chuẩn bị gieo sạ 1.670 ha có khả năng bị hư hỏng và nhiều tài sản của người dân Bình Định bị cuốn trôi theo dòng chảy.
Công Bính - Doãn Công