1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Mưa lớn bất thường như Hà Nội, hạ tầng của Mỹ cũng không chống chịu nổi"

Châu Như Quỳnh Quang Phong

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu nhưng khi mưa lớn bất thường như ở Hà Nội, lại tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chống chịu được.

Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - đã đưa ra những lý giải về vấn đề quy hoạch đô thị và tình trạng mưa là ngập ở Hà Nội, điển hình là trận mưa chiều 29/5.

Trận mưa chỉ kéo dài gần 2 tiếng nhưng làm nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị "chìm nghỉm" liệu có liên quan đến công tác quy hoạch hay không, thưa ông?

- Thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên. Không chỉ Việt Nam, ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu mà mưa lớn bất thường như vậy, lại tập trung vào một thời điểm thì không hạ tầng nào có thể chống chịu được.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan, các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn là hai nguy cơ như nhau.

Mưa lớn bất thường như Hà Nội, hạ tầng của Mỹ cũng không chống chịu nổi - 1

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Không chỉ do thời tiết dị thường, thực tế cứ mưa lớn là Hà Nội, TPHCM lại bị ngập nặng. Điều đó phải chăng là do hệ thống thoát nước của các thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu?

- Tôi cho rằng phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Khi thiết kế các đô thị, điều quan trọng nhất là phải mang đặc trưng về địa hình.

Ngoài ra, phải dự báo được tính cực đoan của khí hậu, từ đó xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với số lượng dân cư sử dụng; phải dự báo được mức cực đoan của khí hậu với tầm nhìn dài hạn.

Chúng ta không chỉ dự báo hàng năm mà có thể 30-50 năm chỉ xảy ra hiện tượng cực đoan một lần. Từ đó, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải một cách đồng bộ. Thậm chí, khi thiết kế các công trình giao thông ngầm cũng phải tính đến sử dụng nó làm phương án thoát nước…

Trong các quận nội thành của Hà Nội, nhiều ao hồ mất đi, nhường chỗ cho nhà cao tầng, có phải là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt như ngày hôm qua hay không?

- Việc này tất nhiên có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của thành phố. Khi dân số tăng lên thì phải kèm theo hạ tầng đô thị. Ở đây tôi muốn nói đến việc xây dựng hệ thống thoát nước phải đảm bảo khi mưa lớn cực đoan, cũng như phù hợp với nước thải hàng ngày.

Mưa lớn bất thường như Hà Nội, hạ tầng của Mỹ cũng không chống chịu nổi - 2

Trên đường Hạ Yên Quyết (Cầu Giấy), nhiều phương tiện di chuyển trên dòng nước mênh mông (Ảnh: Tiến Tuấn).

Năng lực dự báo hiện nay liệu có tính được lượng mưa lớn trong một thời gian ngắn đổ xuống một vùng hay không?

- Để dự báo chính xác những trận mưa lớn, diễn ra trong thời gian ngắn là điều không dễ.

Hiện nay, các chuyên gia khí tượng thủy văn đang nỗ lực dự báo. Cụ thể, khi dự báo lưu lượng mưa trong một khoảng thời gian có thể tính được ở một khu vực có lượng mưa như thế nào, từ đó mới đưa ra được khả năng tiêu thoát nước của hệ thống và cảnh báo ngập lụt. 

Theo ông, TP Hà Nội cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng "mưa là ngập" như hiện nay?

- Trước hết, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo. Thành phố này cũng cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xây dựng một đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Xin cảm ơn ông!