1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Mưa axit ở miền Bắc chỉ là tin đồn thất thiệt

(Dân trí) - Nhiều người Hà Nội hoang mang trước thông tin cơn mưa to diễn ra trưa nay là mưa axit ảnh hưởng từ trận động đất đang gây thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định, đó là tin đồn thất thiệt.

Vừa đến cơ quan trong tình trạng ướt lướt thướt, do bị nước mưa tạt khi di chuyển trên đường, chị Minh Hằng (nhân viên văn phòng) đã tối tăm mặt mũi khi nhận được hàng loạt lời  “đe dọa” của đồng nghiệp : Chị đã “dính” mưa axit,  ảnh hưởng từ trận động đất đang gây thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản! Quần áo ướt nước mưa khiến chị Hằng càng thêm hốt hoảng, cuống cuồng mượn tạm đồng nghiệp đồ thay.
 
Làm việc tại tòa nhà trên phố Bà Triệu, anh Trung cũng rất băn khoăn trước đoạn tin nhắn dân văn phòng gửi nhau suốt trưa nay với nội dung: “Nếu trời mưa vào ngày mai hoặc những ngày sau này thì không đi ra ngoài. Nếu bạn đang ở bên ngoài, hãy chắc chắn rằng bạn đã được bảo vệ khỏi mưa. Đó là mưa axit. Đừng để nó chạm vào bạn. Bạn có thể bị đốt cháy da, mái tóc của bạn bị mất hoặc bị ung thư. Điều này áp dụng cho tất cả các nước châu Á..”.
 
Mưa axit ở miền Bắc chỉ là tin đồn thất thiệt - 1
Cơn mưa trưa nay không có gì bất thường (Ảnh: Phương Thảo)

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ khẳng định, những thông tin về mưa axit hoàn toàn là thất thiệt, không có cơ sở khoa học. “Cơn mưa to bất thường diễn ra trưa nay tại Hà Nội và miền Bắc đã được cơ quan khí tượng dự báo và thông tin trước từ trước đó. Đây là hiện tượng gây ra bởi đợt không khí lạnh cường độ mạnh (hiếm diễn ra vào thời gian này) gặp nền nhiệt cao đã biến tính gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, tố lốc. Vì thế đây chỉ là hiện tượng thiên nhiên bình thường, không có gì bất thường”- ông Hải khẳng định”.

Trước những lo ngại của nhiều người cho rằng gió thổi về Việt Nam cũng có thể nhiễm phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân tại Nhật Bản, ông Hải cho biết: “Các tầng gió thổi đến Việt Nam không có nguồn gốc từ Nhật Bản. Ở tầng thấp gió đến từ hướng Tây (dưới 2.000m) là gió từ Trung Quốc thổi vào. Ở tầng cao lại là hướng gió thổi đi (trên 3.000m) thổi theo hướng Trung Quốc - Nhật Bản. Vì  thế chúng ta khá an toàn trước nguy cơ lan truyền phóng xạ do gió phát tán".

Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) cũng cho biết, vẫn đang theo dõi sát diễn biến của các nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản và sẽ có những cảnh báo sớm nhất nếu có tác động tới Việt Nam. Viện này cũng đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tổ chức quan trắc phóng xạ môi trường tại 2 trạm quốc gia.  Đến nay, chưa ghi nhận có bất kỳ một sự bất thường nào về phóng xạ tại 2 trạm quan trắc báo về.

 P. Thanh