1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một xã ở Khánh Hòa đề xuất chi 400 triệu để chặt, bảo tồn cây di sản

Trung Thi

(Dân trí) - UBND xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đề xuất chi 400 triệu đồng để chặt hạ, bảo tồn cây di sản dầu rái, song chính quyền huyện cho biết chưa có chủ trương này.

Ngày 6/5, ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), cho biết huyện này chưa có chủ trương đầu tư kinh phí 400 triệu đồng để thực hiện các nội dung theo đề xuất của UBND xã Thành Sơn.

Trước đó, cuối tháng 4, xã Thành Sơn đã có tờ trình gửi các cơ quan của huyện Khánh Sơn đề xuất thực hiện các nội dung như, chặt hạ cây di sản dầu rái đã chết; làm nhà bảo tồn thân cây; lát lại nền sân bằng gạch terrazzo sau khi chặt hạ làm vỡ nền sân; thay mới 4 đèn năng lượng mặt trời.

Tổng kinh phí thực hiện là 400 triệu đồng.

Một xã ở Khánh Hòa đề xuất chi 400 triệu để chặt, bảo tồn cây di sản - 1

Chính quyền cấp xã đề xuất chặt hạ, bảo tồn cây dầu rái đã chết (bên trái) với kinh phí 400 triệu đồng (Ảnh: Phú Khánh).

Hồi năm 2022, một cây dầu rái di sản ở xã Thành Sơn bị chết. Do là cây di sản nên phải thực hiện theo quy trình mới được cắt bỏ.

Một năm sau, UBND huyện cho chủ trương chặt hạ cây dầu rái đã chết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và thay thế cây dầu rái mới vào vị trí cây đã chết. Chính quyền huyện cũng yêu cầu có phương án bảo quản, xin ý kiến thanh lý theo quy định.

Trên cơ sở chủ trương của huyện, xã Thành Sơn đã thành lập tổ công tác, trong đó có mời các cơ quan, đơn vị của huyện để tìm phương án. Sau khi nghiên cứu, UBND xã Thành Sơn đã đề xuất phương án chi 400 triệu đồng cho các công việc trên.

Năm 2019, 2 cây dầu rái cổ thụ bên dòng sông Tô Hạp đoạn chảy qua thôn A Pa 2 (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản Việt Nam.

2 cây dầu rái này đã gắn liền với lịch sử lâu đời của xã Thành Sơn, là biểu tượng của núi rừng Khánh Sơn, gắn với đời sống tinh thần, tình cảm của đồng bào Raglai nơi đây.

Năm 2022, 1 trong 2 cây dầu rái này vàng lá, rụng dần và chết đi.