1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một tay gửi lại chiến trường

(Dân trí) - Chiến tranh kết thúc, cánh tay phải gửi lại chiến trường, ông trở về quê hương với niềm trân trọng pha lẫn nỗi lo lắng của gia đình và bà con làng bản. Tròn 35 năm nhìn lại, ông rất đổi tự hào với biệt danh “Một tay vỡ đất khai hoang” của mình.

Ông là Đinh Văn Cứ, thương binh loại A-3/8, người dân tộc Cơtu đang sống vui vẻ cùng gia đình tại thôn Éo, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam.

 

Ký ức một thời

 

Chúng tôi đến thăm, ông tự tay pha trà mời khách thuần thục, một tay lục lấy huân chương, bằng khen ra “khoe”. Ông còn bảo, một tay này thôi ông có thể cuốc đất hay phát rẫy cả tháng trời. Minh chứng cho lời ông nói là tấm Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam (về thành tích xuất sắc trong học tập và lao động, 5 năm liền) treo trang trọng trong nhà.
 
Một tay gửi lại chiến trường - 1

Người thương binh Đinh Văn Cứ

 

Hai vợ chồng, 9 đứa con (6 trai, 3 gái), bao nhiêu năm quần quật với đói nghèo, bằng nghị lực vốn có của người lính cụ Hồ, ông đã đưa gia đình thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Bây giờ, ông Cứ có thể sống yên vui tuổi già bên con cháu. Nhưng kí ức một thời máu lửa vẫn hằng in sâu trong trái tim mình.

 

Ông Đinh Văn Cứ sinh năm 1949, quê ở thôn Éo, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam. Năm 1966, ông đăng kí vào đội Thanh niên xung phong, làm công tác mở đường trong vùng trọng điểm Quảng Trị trên tuyến đường Trường Sơn. Đến năm 1968 ông chuyển qua đơn vị Trung Sơn (QK 5) chuyên tải đạn và cất giấu gạo phục vụ chiến trường. Năm 1968, đơn vị ông bất ngờ bị bao vây tại chợ Phú Thuận. Trận đó có 3 chiến sĩ hi sinh, 1 người lạc trong rừng cả tuần mới tìm được đường về, còn ông bị thương nặng.

 

Hết bệnh, ông được điều về làm giữ kho dọc đường 9 Nam Lào. Trong một lần tải lương thực đến Thượng Đức (Địa Lộc - Quảng Nam) ông bị thương một lần nữa, lần này đạn Mỹ đã cướp đi cánh tay thuận của ông. Đau đớn tuyệt vọng nhưng nghị lực và tố chất người lính đã giúp ông vượt qua. Ông tâm sự: “Mỗi lần nhìn kỉ vật chiến tranh, tui thấy mình như vậy là may mắn lắm rồi, còn bao anh em đồng chí hi sinh đến bây giờ vẫn chưa tìm ra xác…”.

 

Rồi ông thở dài tiếc nuối: “Trận lụt năm 1990 nước ngập vào nhà làm trôi mất 9 cái huy chương và 6 cái bằng khen… mất mấy cái đó tui buồn bỏ ăn mấy ngày chú à! Tiếc lắm!”.

 

Một tay chèo chống thoát nghèo

 

Sau giải phóng, ông về quê xây dựng gia đình, bằng một cánh tay trái, ông cùng vợ vỡ đất khai hoang, trồng bắp, tỉa lúa để nuôi 9 đứa con cùng mẹ già gầy yếu. Ông nhớ lại: Những năm 80, cái đói tung hoành bản làng mình nhiều người Cơtu đã bỏ làng mà đi, riêng ông vẫn quyết tâm “dựa rừng, bám đất”. Hằng ngày với một cánh tay ông hết vỡ ruộng hoang thì phát rẫy, trồng keo kết hợp trồng chuối và chăn nuôi trâu bò. Vì siêng năng và nghị lực đã giúp ông đưa cả gia đình thoát nghèo và hiện tại gia đình ông Cứ được xếp vào những hộ giàu, gia đình mẫu mực.
 
Một tay gửi lại chiến trường - 2
Những kỷ vật thời chiến được gìn giữ như báu vật

 

Tất cả các con ông đều hiền lành, chăm chỉ, ngoài giờ học đứa nào cũng tranh thủ phụ giúp cha mẹ. Nay 5 đứa lớn đã dựng vợ gã chồng, 2 đã ra trường đang tìm việc, còn 3 đứa nhỏ đều còn đi học cấp 2 và cấp 3. Ông Cứ tâm sự: “Với 9 đứa con, 1 mẹ già người khoẻ mạnh còn khó khăn, huống hồ như tui là thương binh bị mất một cánh tay”.

 

Bây giờ gia đình đã một phần ổn định, tuổi ông đã cao nhưng không ngày nào ông không lên rừng, lội suối. “Với 1,5 triệu trợ cấp hằng tháng vậy là quá quý rồi,  tui không cần gì thêm, chỉ mong Đảng và Nhà nước đầu tư làm đường làng ngõ xóm sạch sẽ khang trang để người dân đỡ vất vả khi mùa mưa đến”.

 

Đông Phước