1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai

(Dân trí) - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5 đã thừa nhận vai trò chủ đạo và điều tiết thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tốt, việc sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí…

Một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai - 1
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội XII khai mạc sáng 20/5 tại hội trường Bộ Quốc phòng (ảnh: Việt Hưng).
 
Công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ còn hạn chế
 
Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nền kinh tế đất nước đang tiếp tục đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn so với quý I/2009 và của cả năm 2009 (tốc độ tăng GDP quý I/2010 là 5,83%, quý I/2009 là 3,14%). Kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm 2010 lại tăng 4,27% so với tháng 12/2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Riêng giá vàng, 4 tháng đầu năm tăng 41,6% so với 4 tháng đầu năm 2009.

Lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) chưa thật lành mạnh; tính công khai, minh bạch thấp, còn tiềm ẩn rủi ro.

Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý các DNNN, các ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức kinh doanh các ngành nghề có điều kiện còn nhiều bất cập. Vai trò chủ đạo và điều tiều thị trường của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nơi có lúc làm chưa tốt; sử dụng vốn, tài sản và đất đai còn lãng phí. Vẫn còn tình trạng ép giá thu mua, hạ giá xuất khẩu gây thiệt hại cho người sản xuất.

Về công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ, Phó Thủ tướng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại. “Phản ứng chính sách trong quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản còn lúng túng và chậm; quản lý, điều hành giá một số mặt hàng chưa thật linh hoạt” - ông Hùng nói.

Việc xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như nạn chặt phá và cháy rừng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, chất lượng giáo dục và khám chữa bệnh… hiệu quả chưa cao.
 
Một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai - 2

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận còn nhiều hạn chế trong công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ (Ảnh: Việt Hưng)
 
Báo cáo của Chính phủ đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 2010. Trong đó, đáng chú ý có các nhiệm vụ lớn như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành.

 

UB Thường vụ “tố” thêm nhiều yếu kém

 

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành kinh tế xã hội nửa đầu năm 2010 song UB Thường vụ Quốc hội vẫn “tố” thêm nhiều hạn chế, yếu kém so với những lỗi “tự nhận” của Chính phủ.

 

Bội chi ngân sách ở mức cao, bằng 6,9% GDP, nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng về số tuyệt đối là rất lớn. Huy động vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 30% nhiệm vụ huy động cả năm, đặt ra thách thức cho việc cân đối nguồn vốn để bảo đảm nhu cầu chi theo kế hoạch.

 

Cán cân thanh toán tổng thể hiện thâm hụt 8,8 tỷ USD (số báo cáo Quốc hội kỳ trước chỉ thâm hụt 1,9 tỷ USD) là mức thâm hụt cao nhất nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Chính sách tài khóa tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy giảm kinh tế nhưng cũng gây áp lực đến mặt bằng giá, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cho 2010.

 

Công tác dự báo một lần nữa được UB Kinh tế đề cập như một điểm yếu điều hành khi chỉ trong hơn 2 tháng tính từ thời điểm báo cáo Quốc hội kỳ trước đến hết năm 2009, chênh lệch giữa số liệu ước tính và số thực hiện quá lớn. Thu ngân sách cao hơn số ước thực hiện tới gần 51.700 tỷ đồng, tương đương gần 3% GDP, gần bằng một nửa số bội chi ngân sách 2009. Mức thâm hụt cán cân thanh toán năm so với số ước tính cũng chênh lệch gần 8 tỷ USD, ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định xử lý bù đắp bội chi, lập kế hoạch cho năm sau.
 
Một số tập đoàn nhà nước lãng phí vốn, tài sản và đất đai - 3

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên dự phiên khai mạc. (Ảnh: Việt Hưng)

 

Chủ nhiệm UB Kinh tế lo lắng, chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm tăng cao, thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu kìm giữ CPI tăng không quá 7% trong khi hoạt động sản xuất, phần lớn các doanh nghiệp hiện tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, lãi suất tăng cao tới 17-18%/năm, thậm chí 19-20%, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng trong những quý tiếp theo của năm.

 

Ông Hà Văn Hiền cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên là do việc áp dụng mức thắt chặt chính sách tiền tệ vừa qua quá “mạnh tay”, dẫn tới sụt giảm quá nhanh mức tăng tổng dư nợ tín dụng, làm lãi suất tăng cao không bình thường. Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than, nước, xăng dầu… diễn ra đồng thời trong một khoảng thời gian rất ngắn cùng với việc điều chỉnh tỷ giá 2 lần trong vòng 2 tháng và triển khai ngay trước Tết nguyên đán đã gây hiệu ứng cộng hưởng, là một trong những nguyên nhân làm CPI tăng cao đột biến trong quý I.

 

Góp ý vào những giải pháp điều hành đề ra cho nửa sau năm 2010, UB Kinh tế cho rằng mục tiêu ưu tiên hàng đầu phải là giữ ổn định kinh tế vĩ mô,  theo đó kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

 

Đến cuối năm 2010 phải thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì tốc độ tăng tín dụng, đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế. Các biện pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp được nhấn mạnh bằng việc cho vay vốn tín dụng với lãi suất thực tế, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất…

 

UB Kinh tế “nhắc nhở” phải kiểm soát chặt chẽ việc ứng chi ngân sách nhà nước, thận trọng khi xem xét, quyết định những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn. Mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 6,2%GDP mà Quốc hội quyết định, bảo đảm dư nợ Chính phủ trong giới hạn an toàn cũng là một yêu cầu tiên quyết.

 

Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế những tháng cuối 2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Đánh giá tổng quát tình hình năm 2009, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta vượt qua khó khăn thử thách, sớm ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên ông Hùng cũng thừa nhận nhiều tồn tại, yếu kém cần khắc phục như chất lượng tăng trưởng thấp, kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài giảm, cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt…

Cấn Cường - Phương Thảo