1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Một số tài sản vụ án Alibaba chưa thể xử lý do gặp vướng mắc

Thế Kha

(Dân trí) - Một số tài sản trong vụ án tại Công ty CP Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) cầm đầu chưa thể đưa ra xử lý do gặp vướng mắc trong xác minh pháp lý, hồ sơ sở hữu.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM về tiến độ thi hành vụ Alibaba.

Một số tài sản vụ án Alibaba chưa thể xử lý do gặp vướng mắc - 1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Lê Liên).

Vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT, cầm đầu cùng các đồng phạm đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của trên 4.000 bị hại với số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.

Các bị cáo đã lập ra hàng loạt công ty con, rao bán "dự án ma" không có thật trên giấy tờ tại các tỉnh phía Nam, sau đó thu tiền của khách hàng dưới hình thức hợp đồng góp vốn, bán nền đất với cam kết sinh lời cao.

Bản án hình sự sơ thẩm năm 2022 và phúc thẩm năm 2023 tuyên thu hồi, xử lý hơn 650 tài sản, trong đó có nhiều khu đất, phương tiện, tài khoản ngân hàng… để đảm bảo thi hành nghĩa vụ hoàn trả cho người bị hại.

Báo cáo cho thấy, đến nay vẫn còn một số tài sản chưa thể đưa ra xử lý do gặp vướng mắc trong xác minh pháp lý, hồ sơ sở hữu hoặc công tác phối hợp liên ngành chưa đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Giang khẳng định Alibaba là một vụ án có quy mô lớn, tài sản đa dạng, trải rộng trên nhiều địa phương, ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân.

Do đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thi hành án đối với vụ việc này. Nhiều buổi làm việc trực tiếp đã được tổ chức với cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan; các văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản.

Một số tài sản vụ án Alibaba chưa thể xử lý do gặp vướng mắc - 2

Nguyễn Thái Luyện tại một phiên tòa (Ảnh: Xuân Duy).

Kết quả thi hành án còn một số hạn chế, theo bà Giang, do một số chi cục thi hành án dân sự chưa thực sự chủ động, tích cực xác minh, làm rõ tình trạng pháp lý của tài sản, thủ tục đưa tài sản ra bán đấu giá còn chậm trễ, dẫn đến tiến độ xử lý tài sản chưa đạt yêu cầu.

Các cơ quan thi hành án cần kiên quyết, linh hoạt hơn nữa trong xử lý tài sản, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản, đảm bảo kịp thời thu hồi số tiền bị chiếm đoạt, theo yêu cầu của bà Giang.

Cục Thi hành án dân sự TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có trách nhiệm hỗ trợ, đôn đốc, hướng dẫn các chi cục trực thuộc trong tổ chức thi hành án. Trường hợp phát sinh khó khăn vượt quá thẩm quyền, bà Giang nêu rõ phải kịp thời báo cáo, tham mưu Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc Tổng cục Thi hành án dân sự để có tháo gỡ phù hợp.

"Việc đẩy nhanh tiến độ thi hành án trong vụ Alibaba không chỉ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người bị hại mà còn có ý nghĩa khẳng định sự nghiêm minh, hiệu lực và uy tín của hệ thống pháp luật trong thực tiễn thi hành án dân sự", bà Giang nhấn mạnh.

Nguyễn Thái Luyện đang chấp hành án phạt tù chung thân tại Trại giam Thủ Đức về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; còn bà Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội Rửa tiền.

Bản án buộc Nguyễn Thái Luyện và bà Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) liên đới bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.929 bị hại.

Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Thái Luyện thu mua diện tích lớn đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Chủ tịch địa ốc Alibaba thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản trên diện tích đất nông nghiệp này để bán cho 4.548 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.445 tỷ đồng.