1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Một sản phụ sinh con trên tàu Thống Nhất

Chuyến tàu xuyên Việt S6 rời ga Sài Gòn lúc 12h30 ngày 16/6. Hơn một tiếng sau, một phụ nữ đi tàu chuyển dạ. Nhiều người nháo nhác kêu cứu: “Có ai làm trong ngành y không, xin giúp đỡ...”. Rất may, trên tàu có một nữ hộ sinh.

Người phụ nữ sinh con trên tàu S6 là Hồ Thị Lan, 33 tuổi, tạm trú tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM, đang trên đường về nhà mẹ ruột ở Huế để sinh con. Người đã “cứu mạng” hai mẹ con chị Lan là nữ hộ sinh Nguyễn Thị Nô ở thôn Phước Lý, thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, cũng là một hành khách đi tàu.

 

Chị Nô kể lại: Khoảng 13h50, chị nghe bà con trên tàu kêu có người chuyển dạ. Sản phụ đang đau quằn quại. Chị Nô yêu cầu một số nam giới chuyển sản phụ đến khoang nhân viên đường sắt, nơi có giường cá nhân. Tất cả dụng cụ y tế được huy động, gồm: bông, băng, cồn sát trùng, kéo...

 

Chị Nô chỉ kịp sát trùng tay bằng xà phòng, cồn thì sản phụ đã vỡ ối, cửa mình đã mở và điều đáng lo ngại là thai ngược. “Tôi gặp trưởng tàu nói đây là trường hợp sinh khó, ối đã vỡ, thai thiếu tháng và có triệu chứng ngạt. Cần phải đưa cô ấy xuống ga gần nhất”, chị Nô kể. Nhân viên nhà tàu nói ga gần nhất là Mương Mán, nhưng phải hơn 3 tiếng nữa mới đến.

 

Lúc này sản phụ đau vật vã, chân thai nhi ló ra. Chị Nô khuyên sản phụ bình tĩnh, khi nào không đau há miệng thở đều, khi nào đau thì ráng chịu và nghe theo hướng dẫn của chị. Năm phút sau, cháu bé chào đời, là con gái, khoảng 2,5 kg. Mình cháu tím tái, không khóc. “Nếu không cứu ngạt kịp thời sẽ rất nguy. Tôi liền dùng miệng mình hút sạch chất nhầy ở miệng bé, dùng cồn xoa lên ngực, rồi cầm hai chân cháu dốc ngược, đánh nhẹ vào mông hai cái thì nó cất tiếng khóc...”, chị Lai kể.

 

Sau khi mẹ tròn con vuông, người mẹ muốn được nằm trên tàu cho đến Huế. Nhưng nghe lời thuyết phục đây là ca sinh khó, điều kiện thuốc men, vô trùng trên tàu không đảm bảo, cháu bé lại sinh thiếu tháng, bị ngạt nên hai mẹ con đã đồng ý xuống ga Mường Mán.

 

Y sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng trạm y tế Mương Mán, cho biết: “Hiện nay sức khỏe của hai mẹ con chị Lan bình thường, nhưng cháu bé thì cần theo dõi do 2 chân tím bầm”.

 

Ngành đường sắt không có bác sĩ theo tàu!

Người phát ngôn của Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Hiệp, cho biết, hiện ngành đường sắt không có biên chế bác sĩ và y tá trên tàu, mà ở mỗi đoàn tàu chỉ có một nhân viên kiêm nhiệm việc phát thuốc chữa trị một số bệnh thông thường.

 

Chuyện hành khách bị bệnh đau đột ngột hay chuyển dạ trên tàu cũng thường xảy ra và cách xử lý của ngành là cho tàu dừng lại ở ga gần nhất để đưa bệnh nhân tới bệnh viện.


Theo Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm