Nghệ An:
Một phụ nữ bất ngờ trở về sau 23 năm bị bán sang xứ người
(Dân trí) - Bị người mình yêu thương phụ bạc, cô gái trẻ quyết đi thật xa để quên hết những buồn tủi. Nhưng số phận lại thêm một lần "phụ bạc" cô khi bị lừa bán làm vợ nơi xứ người.
Hồng nhan bạc phận một đời
Ôm đứa cháu vào lòng, bà Trương Thị Lan (57 tuổi, ở xóm Hồng Thịnh, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) kể cho chúng tôi nghe những đau đớn bất hạnh trong cuộc đời mình: “Ngày đó nếu không bị bệnh tật mất đi thiên chức làm mẹ khiến người chồng sắp cưới bỏ tôi, thì có lẽ tôi đã không phải lang bạt khắp nơi rồi bị bán sang Trung Quốc làm vợ người ta, chịu cực khổ suốt mấy chục năm trời như vậy”.
Sinh ra trong một gia đình có tới 7 anh chị em, cuộc sống ở quê vốn vất vả khổ cực, bà Lan là chị cả trong nhà nên phải gánh vác mọi công việc đồng áng nặng nhọc, thay bố mẹ chăm lo cho các em. Quanh năm suốt tháng chân lấm tay bùn nhưng bà Lan được trời phú cho nước da trắng ngần, dáng người cao ráo, được rất nhiều trai làng để ý.
Rồi cô gái xinh đẹp ấy kết đôi với một chàng trai cùng làng hiền lành chất phác. Tưởng như đang ở đỉnh cao hạnh phúc thì bỗng nhiên bà mắc phải chứng bệnh viêm đường ruột nặng, phải cắt đi một phần ruột của mình để giữ lại mạng sống. Sau ca phẫu thuật, bà cũng mất luôn thiên chức làm mẹ. Nghe tin đó, người bà yêu thương đã dứt bỏ bà đi tìm hạnh phúc mới.
Mối tình đầu tan vỡ, người con gái trẻ không chịu nổi cú sốc quá lớn nên đã quyết bỏ đi thật xa. “Lúc đó là một buổi tối năm 1989, tôi chỉ mang theo một bộ quần áo rồi lên tàu đi ra phía Bắc, không một lời từ biệt gia đình, người thân. Tôi cũng không biết dừng lại ở bến nào nữa, đến khi tàu dừng ở ga cuối cùng tôi mới bước xuống. Xuống tàu tôi mới biết mình ra tới Hà Nội rồi” - bà Trương Thị Lan nhớ lại.
Sau đó bà được một người đàn ông đến dắt đi, thông báo đã bỏ tiền ra mua bà về làm vợ.
Thắp hương lên bàn thờ chính mình
Làm dâu xứ người, cuộc sống của bà vô cùng khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Những năm đầu, gia đình chồng luôn cho người canh giữ bà cẩn thận vì sợ bà bỏ trốn. Không biết mình đang ở đâu, không biết tiếng, không tiền,... bà đành ngậm ngùi chịu kiếp làm dâu xứ người.
Nhà chồng neo người, chỉ có một đứa con trai. Thấy người vợ năm này qua năm khác không mang thai, người chồng gặng hỏi và bà Lan đã kể lại hết những đau khổ trong đời mình. Trái lại những lo lắng của nàng dâu, gia đình nhà chồng lại tỏ ra thông cảm, họ nhận một bé gái về cho vợ chồng bà nuôi dưỡng.
23 năm trôi qua, nỗi nhớ quê nhà, mẹ già thôi thúc. Bà Lan quyết định âm thầm tìm đường trở về quê hương. Đầu năm 2011, bà Lan gặp được một người phụ nữ cùng cảnh ngộ với mình tên là Dung, quê ở Phủ Lý, Hà Nam. Sau những lần tâm sự, người phụ nữ này đồng ý sẽ đưa bà cùng trở về Việt Nam bởi bà Dung được nhà chồng tin tưởng, thường xuyên cho về quê thăm gia đình.
Âm thầm gói ghém đồ đạc, bỏ lại tất cả, bà Lan lên đường về quê. Cuộc “đào tẩu” được tuyệt đối giữ bí mật. Người phụ nữ tên Dung cũng đồng ý cho bà Lan mượn toàn bộ chi phí tàu xe về quê.
Sau nhiều ngày lăn lộn trên các chuyến xe, về đến quê hương, bà chỉ nhớ được rằng nhà mẹ đẻ mình ở gần chợ Dàn và xin xuống xe ở đó.
Sau đó bà được một người phụ nữ cùng thôn nhận ra và giúp đưa về tới nhà. Người này cũng thông báo cho bà biết bố mẹ đẻ của bà đã qua đời. Gia đình họ hàng tưởng bà Lan đã chết nên cũng đã lập bàn thờ, lấy ngày bà bỏ đi làm ngày giỗ.
Giây phút bước chân vào mái nhà xưa cũ, bà Lan khóc nức nở như đứa trẻ. Các em bà giờ đây đều đã có gia đình riêng. Không ai dám tin người chị biệt tích bao năm nay đã trở về. Ngày đoàn viên, 7 chị em ôm nhau trong nước mắt.
Bước tới bàn thờ, cầm "di ảnh" của chính mình, bà Lan gục khóc. “Giờ tôi mới biết ngày nào bố mẹ cũng khóc chờ tôi. Họ đã đi tìm tôi khắp nơi nhưng không được, sau đó nghĩ rằng tôi đã chết nên mới quyết định lập bàn thờ cho linh hồn tôi được siêu thoát”, bà Lan nghẹn ngào.
Giờ đây, các em bà Lan cùng gom góp xây cho bà một ngôi nhà nhỏ, mở một quán nhỏ để bà tìm niềm vui lúc về già.
Nguyễn Tình - Lany Nguyễn