Hải Dương:
Một người dân chết bất thường tại trụ sở ủy ban xã
(Dân trí) - Sau khi bị các công an viên áp giải đưa về trụ sở ủy ban để xét hỏi, khoảng 3h sau, anh Đặng Trung Trịnh, 32 tuổi, trú tại thôn Đoàn Khê, xã Tiên Động (Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã tử vong một cách đầy oan khuất…
“ Hôm đó vào ngày thứ 7, khoảng đầu giờ chiều ngày 28/11, khi sang nhà người anh họ ở cùng thôn Đoàn Khê là Đặng Trung Thịnh. Sẵn có tý rượu uống từ trước cộng thêm xích mích với anh Thịnh nên chồng tôi đã phá hỏng mấy viên gạch papanh và làm cháy tấm ni lông che đống rạ của nhà anh Thịnh.
Một lúc sau, chồng tôi về nhà nằm ngủ. Tưởng sự việc không có gì nghiêm trọng, thế nhưng đến khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, có 3 cán bộ công an xã Tiên Động đến nhà tôi phá cửa chính, xông vào nhà bắt chồng tôi đưa lên xe máy và áp giải lên trụ sở UBND xã mà không hề có giấy mời hay giấy triệu tập nào.
Đến chiều tối, trên đường về nhà tôi được bà con thông báo là chồng tôi đã chết rồi. Họ còn nói nhanh nhanh lên Ủy ban xã mà nhận xác. Tôi và người thân lên trụ sở ủy ban nhưng không được trực tiếp đến gần thi thể chồng tôi. Chúng tôi chỉ được ở một phòng riêng, phía công an xã nói rằng chờ cơ quan cấp trên xuống kiểm tra và mổ pháp y tìm hiểu nguyên nhân, người thân nạn nhân cử đại diện tham dự.
Chị Phương cho biết thêm, chị rất đau đớn bởi chồng chị trước khi chết hoàn toàn khỏe mạnh, không ốm đau hay bệnh tật gì.
Khi tiến hành mổ pháp y, cơ quan chức năng phát hiện xương sườn của anh Trịnh bị gẫy rạn, tay có một vết xước còn rớm máu. Đặc biệt, trên thi thể của nạn nhân Trịnh có rất nhiều vết thâm tím.
Cho rằng chồng mình bị chết một cách oan ức, chị Phương và gia đình đã làm đơn kêu cứu khắp nơi mong sớm làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Trịnh. Tuy nhiên, mới đây công an huyện Tứ Kỳ đã có công văn trả lời về nguyên nhân anh Trịnh chết với lý do “Xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan”, và ra quyết định không khởi tố vụ án.
PV Dân trí đã tìm gặp những người chứng kiến vụ bắt giữ anh Trịnh. Chị Đào Thị Phượng - ở cùng xã cho biết, hôm anh Trịnh bị áp giải chị nhìn thấy hai người lôi anh Trịnh trên đường. “Thấy bất ngờ tôi bỏ cả việc cắt cỏ để nhìn theo còn nghe loáng thoáng những câu nói khó nghe của mấy anh công an” - chị Phượng cho biết.
Lý giải về việc nạn nhân bị rạn gãy xương sườn số 3 - trên cơ thể khi giám định pháp y, Phó trưởng công an huyện Tứ Kỳ - ông Đỗ Công Phúc cho rằng, việc nạn nhân bị rạn xương sườn là do…hô hấp nhân tạo hoặc do công an viên nhỡ tay khi vận chuyển nạn nhân đi cứu chữa.
Theo Luật sư Phán, cách trả lời của công an huyện Tứ Kỳ là chưa thuyết phục bởi trong việc hô hấp nhân tạo, không có căn cứ cho thấy có thể “hô hấp” mà dẫn đến gãy…cả xương sườn (?).
Theo nguồn tin mà PV Dân trí thu thập được thì nạn nhân Trịnh không được ai hô hấp nhân tạo vì sau khi được tiêm một mũi, nạn nhân đã tắt thở hẳn.
Cái chết của nạn nhân Trịnh ngay tại trụ sở ủy ban xã Tiên Động đến nay còn nhiều điều chưa sáng tỏ, rất cần các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương sớm vào cuộc có kết luận chính xác, trung thực, khách quan về vụ việc này.
Được biết, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tứ Kỳ đã có văn bản yêu cầu cơ quan CSĐT công an huyện Tứ Kỳ làm rõ nguyên nhân việc gãy xương cũng như những vết bầm tím trên cơ thể nạn nhân.
My Thường