1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một ngày với hành khách vẫy xe vào Nam

(Dân trí) - Ăn tết xong là dân miền Bắc, miền Trung lại tiếp tục cuộc “Nam tiến” rầm rộ. Bi kịch bắt xe ngang đường bắt đầu xảy ra khi có người vẫy mỏi cả tay cũng không có xe dừng lại, còn khi có bác tài “táp vô” thì đành chịu cảnh “nhồi nhét”, “chặt chém"…

Khách đông, nhà xe thét giá “trời ơi”

Sáng 19/2, tại ngã ba Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), trời vừa tờ mờ sáng, đã xuất hiện hai chiếc xe “dù” mang biển số Hà Tĩnh đến bắt khách. Người từ các xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ, Cẩm Bình, Cẩm Thành… đổ ra đây đón xe vào Nam càng lúc càng đông.

Những ngày này, các nhà xe cho đây là một bến “cóc”, nên dừng đậu hàng chục phút bắt khách gây ách tắc giao thông. Vì thế xe “dù” này vừa lăn bánh là xe “dù” khác lại “chen chân” vào. Mấy lơ nói giọng miền Nam đặc sệt: “Ghé dô! Ghế dô! Sài Gòn đây! Sài Gòn đây! Người 600.000 đồng, mau lên nhanh!

Có mặt tại ngã ba này từ 5h30, anh Trần Văn Tiến (Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) cho biết: “Từ tờ mờ sáng đã ra đây đón xe vào Nam mà thấy xe nào cũng chật cứng khách. Có xe vừa chạy qua còn mấy chỗ phụ nhưng nhà xe ra giá gấp đôi ngày thường”.

Có mặt tại đây lúc 6h, chúng tôi ước tính có hơn 250 hành khách đang chờ đi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… Và cứ 10 xe khách qua đây mới có được 2 - 3 người lên xe. “Nhu cầu người vào Nam ngày một đông, ai cũng muốn vào sớm để ổn định đi làm. Nếu không chấp nhận đi xe nhồi và chịu giá “trời ơi” thì khó đón được xe”, ông Trần Hoàn, 56 tuổi, ở xã Cẩm Mỹ, đưa con đi bắt xe phân trần.

Đến 9h sáng, chúng tôi chạy xe máy một mạch từ Cẩm Xuyên ra Can Lộc. Đi đến ngã ba, ngã tư nào cũng thấy người đứng hai bên đường đón xe vào Nam như hội, có nhóm vài chục người, có nhóm lên đến cả trăm người. Chị Hằng ở Trung Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) sau 3 năm làm ăn ở Bình Dương vừa có cái tết vui với gia đình, nay lại “vật lộn” bắt xe vào Nam.

Một ngày với hành khách vẫy xe vào Nam - 1
  

Đã 11h trưa, vẫn rất đông người vẫy xe tại ngã ba
thị trấn Can Lộc.

“Đã chờ 3 giờ đồng hồ rồi mà không có xe nào còn ghế trống. Vừa rồi có chiếc xe 37N -32… chạy qua còn 4 chỗ phụ nhưng không ai dám lên vì xe quá cà tàng mà lơ xe chào giá mỗi người 500.000 đồng vào Sài Gòn…”, chị Hằng cho hay.

Hành khách sợ “chặt chém” trên xe

Nắm bắt được tâm lý của hành khách là sớm đón được xe vào Nam làm ăn, các nhà xe thấy khách dọc đường đều đồng loạt tăng giá. Nhiều hành khách cho biết sẵn sàng chịu cảnh “chặt chém”, “nhồi nhét” nhưng cả ngày vẫy mà vẫn chưa bắt được xe.

“Có xe còn chỗ phụ nhưng khi nhảy lên thì thấy thảm cảnh người đứng, ngồi quá mệt mỏi nên tui không dám đi”, anh Nguyễn Trọng Hoàn, làm ở Khu công nghiệp Sóng Thần đứng đón xe vào Bình Dương tỏ ra lo âu.

Theo Ban quản lý bến xe Hà Tĩnh, tuyến xe Hà Tĩnh - Sài Gòn xuất bến từ 4h30. Các xe khi xuất bến đã đủ khách mới đi và như vậy rõ ràng những hành khách dọc đường bắt xe đương nhiên phải chịu cảnh nhồi nhét.

Hai chị em Hương ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) ra Nam Cầu Phủ (Hà Tĩnh) đón xe vào Đồng Nai từ rất sớm nhưng đã 11h mà chưa đón được xe. Hương nói: “Ngày hôm qua hai chị em với ba người bạn trong làng cùng đón một xe đi cho vui nhưng chờ cả ngày chỉ thấy một xe còn một, hai ghế trống nên không ai muốn đi một mình…”.

Những người đứng vẫy xe dọc đường nêu kinh nghiệm: Lợi dụng nhu cầu cao nên nhà xe nào cũng tung giá “hoả mù”: Khi “ăn giá” thì mềm nhưng khi khách đã lên xe là nhà xe bịa ra đủ các khoản để thu thêm. Vì thế ai cũng muốn đi ba, bốn người trên một xe để “tùy cơ ứng xử”. Trớ trêu là xe nào đi qua cũng chỉ còn một, hai chỗ phụ trống nên khi một mình lên xe thế nào cũng bị “chém ra bã”.

Văn Định