Một ngày với công nhân dầu khí Việt Nam ở thủ phủ dầu mỏ Bắc Phi
Đúng 8 giờ tối, tôi đặt chân đến sân bay của thành phố Hassi Messaoud, cách thủ đô Alger (Algeria) hơn 600km về phía Nam, nơi được xem là thủ phủ dầu mỏ của quốc gia Bắc Phi này để chuẩn bị cho chuyến công tác đến mỏ dầu Bir Seba.
Đây là nơi cho ra dòng dầu đầu tiên của dự án dầu Việt Nam-Algeria, mà theo như anh Hoàng Ngọc Đông, Giám đốc Công ty PVEP-Algeria nói việc đưa vào khai thác mỏ dầu này đã khẳng định vị thế của người Việt Nam trong hành trình tìm dầu ở nước ngoài.
Đón tôi ở sân bay là một nhân viên người địa phương và lực lượng bảo vệ của quân đội.
Để vào được nơi ở và làm việc của PVEP-Algeria tại đây, phải qua 2 cổng do quân đội bảo vệ. Nếu muốn được ra ngoài, thì phải có sự cho phép của lực lượng cảnh sát của thành phố mà phải xin phép trước đó 3 ngày, nhưng thường là không nhận được sự đồng ý.
Công việc và cuộc sống của anh em chỉ gói gọn trong khu vực này. Ngay việc để tôi có thể xuống đến đây để tác nghiệp, thì trước đó các cán bộ của PVEP đã phải rất vất vả mất hàng tháng trời để xin đủ các loại giấy phép từ các cơ quan chức năng của bạn.
Đúng 5 giờ 30 sáng ngày hôm sau, tôi cùng với anh Đông và 3 cán bộ khác của PVEP lên xe ra sân bay để tới mỏ dầu Bir Seba, cách thành phố Hassi Messaoud hơn 100km, ở ngoài sa mạc Sahara. Đưa chúng tôi ra sân bay, có 3 xe quân sự áp tải để bảo vệ và bảo đảm an ninh và an toàn tính mạng.
Thành phố lúc này vẫn đỏ đèn, và như sáng thêm lên bởi hàng chục ngọn lửa khí đồng hành của các mỏ khai thác dầu khí xung quanh. Cuộc sống ở thành phố này dường như không bao giờ ngừng lại.
Con đường nhựa đen chạy xuyên qua sa mạc lúc băng qua bình nguyên như không có chướng ngại nào, lúc ngoằn nghèo quanh các đụn cát đến sây bay của thành phố.
Hai bên đường chỉ thấy bóng những giàn khoan đen sì lởm chởm trên nền trời đang rạng sáng và những cột khói đốt khí đồng hành.
Để ra được mỏ dầu chúng tôi đi máy bay nhỏ chở được 6 người và mất 30 phút bay thì tới nơi mà anh em vẫn gọi đùa với nhau là sân bay, nhưng thực tế chỉ là một đường băng dã chiến tại sa mạc hoang vắng.
Từ đây, chúng tôi mất thêm khoảng 30 phút nữa để đi xe vào mỏ với sự hộ tống nghiêm ngặt của lực lượng quân đội.
Vì nằm ở sa mạc nên đường vào mỏ rất xấu. Nhiều đoạn không nhìn thấy mặt đường và chỉ nhận biết được nhờ dải cát được xe ủi hất sang hai bên vệ đường.
Trên đường đi, anh Đông nói chỉ lát nữa thôi nhà báo sẽ được chứng kiến nhịp độ lao động căng thẳng và cuộc sống khó khăn vất vả của anh em lao động dầu khí tại sa mạc Sahara. Và quả thực là như vậy.
Khu "đô thị PVEP Algeria" như anh em vẫn nói vui với nhau thực sự là một ốc đảo đúng nghĩa trong sa mạc.
Ở đây cái gì cũng container. Ăn container, ngủ container, sinh hoạt container và làm việc cũng container. Những dãy nhà container, cứ hai căn hộ/chiếc, dùng để sống và làm việc ở nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới này, dù cũng đầy đủ tiện nghi, nhưng cuộc sống ở nơi đây thì thực sự đơn điệu, buồn tẻ và nhàm chán.
Cuộc sống của người lao động nơi đây đó là buổi sáng sang mỏ dầu làm việc và tối về với những chiếc container này.
Nhịp độ làm việc ở đây rất khẩn trương nhưng phải đảm bảo chính xác và an toàn tuyệt đối. Tôi chỉ được gặp các kỹ sư Việt Nam trong chốc lát rồi họ lại vội vã quay trở lại làm việc. Thời gian ở đây rất quý.
PVEP cử sang đây các kỹ sư có trình độ chuyên môn cao và đầy nhiệt huyết. Tuổi trẻ, yêu nghề, sáng tạo, có kỷ luật và có trách nhiệm, đó là những nhận xét của các đồng nghiệp người Algeria và người Thái Lan dành cho các đồng nghiệp người Việt Nam.
Phan Văn Đang, 34 tuổi, nhà ở Vũng Tàu, sang đây làm việc từ năm 2012, đang phụ trách quản lý chất lượng tại mỏ Bir Seba, cho biết cuộc sống tuy có khó khăn, vất vả nhưng anh em vẫn hoàn thành tốt công việc cũng như tổ chức tốt cuộc sống.
Mọi người trong dự án đều cuốn theo công việc. Do vậy mà nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào.
Đang nói: "Công việc ở đây rất căng thẳng. Chúng em làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Ngày nào cũng vậy anh em đã phải dậy từ 5 giờ để ăn sáng và chuẩn bị đi làm và làm việc liên tục như vậy trong 1 tháng mà không có ngày nghỉ.
Cứ 1 tháng làm việc tại mỏ thì bọn em được về Việt Nam 1 tháng để nghỉ, thậm chí có khi 2 tháng mới được về. Ngoài giờ làm ra, buổi tối anh em chi còn biết tụ tập nhau lại ngồi hàn huyên bên ấm chè rồi sau đó ai lại về nhà người đó nghỉ ngơi để ngày hôm sau tiếp tục công việc của mình.
Guồng quay cuộc sống đơn điệu của bọn em ở nơi đây là như vậy. Nhưng ở đây anh em rất đoàn kết và hỗ trợ nhau."
Hảo, một kỹ sư hóa làm việc tại mỏ cho biết thêm khí hậu ở đây rất khắc nghiệt nhất là mùa bão cát và mùa Hè.
Mùa bão cát ở đây thường vào từ tháng 2 đến tháng 5. Cứ khi mỗi khi có bão cát là anh em phải trùm kín mít để làm việc ngoài trời. Những lúc như vậy, cát thường chui hết vào mũi và tai rất khó chịu, còn quần áo thì dính đầy cát.
Vào mùa Hè thì nhiệt độ nắng nóng kinh khủng. Mọi người phải thường xuyên làm việc dưới cái nắng nóng lên tới trên 50 độ C. Và do đó người kỹ sư phải có sức khỏe rất tốt thì mới có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt nơi đây.
Anh Đông cho biết môi trường làm việc ở mỏ Bir Seba và ở văn phòng tại Hassi Messaoud là rất khó khăn và khắc nghiệt, mùa Hè nhiệt độ thường trên 50 độ C và mùa Đông thường xuống dưới 0 độ C, nhưng cán bộ biệt phái của PVEP đã và đang phải vượt qua những khó khăn đó để đảm bảo đạt được những yêu cầu của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) và của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt ra.
Mọi người phải xa gia đình, phải đối diện với những nguy cơ về an ninh như bắt cóc con tin đã từng xảy ra hồi năm 2013.
Đã có lúc trên dự án chỉ còn người Việt Nam bám trụ để tiếp tục thực hiện dự án, trong khi đó các đối tác nước ngoài và cán bộ, kỹ sư người địa phương đã rời khỏi dự án để tránh những hiểm nguy khủng bố.
Anh Đông khẳng định dự án thành công được như ngày hôm nay là nhờ vào tinh thần đoàn kết của anh em.
Mọi người đều có động lực làm việc cao, thường xuyên động viên, nhắc nhở nhau để vượt qua những khó khăn khi xa nhà, những nỗi sợ hãi về vấn đề an ninh, góp phần vào thành công của dự án là cho ra được dòng dầu thương mại đầu tiên.
Theo Thanh Bình
Vietnam+