Kể chuyện quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất Lào

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”

(Dân trí) - Trên cao nguyên Xiêng Khoảng (nước bạn Lào), ước tính có hơn 11.000 chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống. Từng tấc đất, từng khoảnh rừng đều có thể là nơi yên nghỉ của bác, các anh.

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”
Cán bộ đoàn quy tập mộ liệt sỹ làm việc với người dân bản địa nhằm tìm kiếm những manh mối về khu vực an táng các liệt sỹ

Xiêng Khoảng là căn cứ của các lực lượng yêu nước và cách mạng Lào trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Xiêng Khoảng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Riêng tại cao nguyên này, đã có hơn 11.000 chiến sĩ bộ đội tình nguyện Việt Nam anh dũng hy sinh. Bởi vậy, công tác quy tập gần như tập trung ở địa bàn này. Gần 30 năm triển khai công tác quy tập, đến nay có hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ được tìm thấy. Vẫn còn hơn 1.000 phần mộ các bác, các anh nằm rải rác đâu đó nơi vùng rừng núi này, chờ ngày trở về đất mẹ.

Cao nguyên Xiêng Khoảng rộng, đồng bào tập trung thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt. Trong khi đó, các phần mộ liệt sĩ hầu hết nằm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, lại chưa có đường ô tô vào tận nơi. Xe ô tô chỉ dừng lại ở đường lớn, các chiến sĩ quy tập “tăng bo” nhu yếu phẩm, cuốc xẻng vượt rừng tiến vào sâu hơn. Rồi tất tả dựng lán, dọn rừng để chuẩn bị cho một công cuộc tìm kiếm. Thế nhưng, không phải lần nào cũng may mắn xác định đúng phần mộ như sơ đồ đã được cung cấp.

“Có những nơi, chúng tôi quần nát từng mét đất, trở lại tìm kiếm mấy lần nhưng vẫn không tìm thấy một chút bằng chứng nào. Những lúc như thế, vừa buồn, vừa thương các bác. Đối với những người làm công tác quy tập như chúng tôi, mỗi phần mộ được tìm thấy, dù chỉ còn một ít xương, một nắm đất đen thôi cũng quý hơn cả vàng bởi đó là cha ông mình”, đại tá Hồ Trọng Bình ngậm ngùi.

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”
Với sự giúp đỡ chí tình của người dân Xiêng Khoảng, trong đó có những người đã từng ở bên kia chiến tuyến, nhiều hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã được tìm thấy

Trong cuộc tìm kiếm cao cả nhưng không kém phần gian khổ này, đoàn đã nhận được nhiều sự giúp đỡ chí tình, sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền các cấp, bà con các dân tộc Lào, đặc biệt, là của những người đã từng đối kháng với lực lượng quân giải phóng. Càng khó khăn, nghĩa tình Lào - Việt, nghĩa tình Xiêng Khoảng càng thắm đượm hơn bao giờ hết.

Năm 1987 tại Mường Pẹt, với sự giúp đỡ của người dân bản địa, đoàn đã đến được nghĩa trang nằm giữa rừng, xung quanh là những rẫy lúa vàng ươm. 10 phần mộ được mai táng ngay hàng thẳng lối, to đẹp, trên mỗi ngôi mộ đều được che phủ bằng những tấm nilông. Người trông coi, chăm sóc các phần mộ cũng chính là chủ các thửa ruộng này.

Ông từng là lính giải phóng Lào, sát cánh chiến đấu cùng với quân giải phóng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các đồng đội Việt Nam đã hy sinh, chính tay ông chôn cất. Đến khi xuất ngũ, ông trở lại chiến trường xưa, phát nương trồng rẫy xung quanh các phần mộ liệt sĩ và nhận trách nhiệm chăm sóc, trông coi các phần mộ này.

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”
Những nhát cuốc bổ xuống, bật ngược lại vì đất quá rắn không thể làm chùn tay những người lính quy tập

“Ta đợi bộ đội Việt Nam đến đưa các anh ấy về lâu lắm rồi. Giờ các con đã đến, các bác ấy được về với gia đình, với quê hương. Nhiệm vụ của ta cũng đã xong”. Sau khi đoàn hoàn toàn công tác cất bốc, thì ông cũng bỏ những rẫy lúa của mình đi đâu không rõ. “Hồi đó, do tập trung vào việc cất bốc, đưa các bác về nên chúng tôi cũng sơ suất không hỏi cụ tên gì, ở đâu”, đại tá Lộc tiếc rẻ.

Hay người mẹ Lào ở bản Son (Mường Pẹt), năm 1987, mẹ 84 tuổi. Gặp các con bộ đội Việt Nam, mẹ mừng lắm. Lập cập dắt các anh ra bụi tre đầu cánh rừng, bà run run: “Dưới bụi tre này là chỗ yên nghĩ của bộ đội Việt Nam. Mẹ đã đợi các con lâu lắm rồi. Chỉ sợ mẹ chết đi, không ai chỉ chỗ bộ đội nằm để đưa anh ấy về nước”.

Thì ra, cách đây lâu lắm rồi, ngày ấy mẹ còn trẻ, một buổi chiều, mẹ thấy 2 bộ đội Việt Nam khiêng một người đã chết đến trước cánh rừng và chôn cất. Chôn xong, họ chặt đôi chiếc đòn tre cắm lên mộ để đánh dấu, gửi mẹ trông coi, hứa sẽ quay lại để đưa anh bộ đội đã hy sinh về. Thế rồi, họ đi, không trở lại, có thể đã hi sinh trong các trận chiến sau đó. Còn chiếc đòn tre đóng xuống mộ, gặp mưa, nảy chồi, đâm lá. Cứ thế, sau mấy chục năm trời, nó phát triển thành cả lũy tre, bao bọc lấy ngôi mộ người lính Việt Nam ngã xuống trên đất Lào.

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”
Những cánh rừng già Xiêng Khoảng là nơi yên nghỉ của hàng nghìn người anh hùng Việt Nam ra đi vì nghĩa lớn

Một nhân vật không thể không nhắc tới đó là Dua Xông Vàng - người lái xe cho Vàng Pao - tên phỉ khét tiếng ở đất Triệu Voi nửa thể kỷ về trước. Sau mỗi trận đấu, Dua Xông Vàng thường chở Vàng Pao đi kiểm đếm số tử sĩ của đối phương nên ông rõ hơn ai hết nơi chôn cất các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Đại tá Hồ Trọng Bình kể: “Sau khi Vàng Pao bỏ trốn sang Mỹ, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng giải phóng Lào đã giải phóng hoàn toàn thủ phủ Long Chẹng, Dua Xông Vàng trở về cuộc sống đời thường. Thế nhưng ông sống khép kín và không có nhiều thiện cảm với đoàn quy tập. Cán bộ huyện vào vận động cả tháng trời không thuyết phục được Dua Xông Vàng giúp dỡ đoàn quy tập tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ.

“Một nắm đất đen cũng quý hơn vàng”
Mỗi hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là một món quà vô giá mà người chiến sỹ quy tập dành tặng cho thân nhân các liệt sĩ

Đoàn chúng tôi cử 1 tổ công tác tới bản, đóng quân 20 ngày và vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Sau gần 1 tháng bám bản, kiên trì thuyết phục, vận động, cuối cùng Dua Xông Vàng cũng đồng ý. Và chính ông đã chỉ địa điểm để đoàn quy tập tìm thấy 200 hài cốt liệt sĩ. Ngoài ra, ông còn vận động những người đã từng là lính Vàng Pao giúp đỡ đoàn quy tập. Đây thực sự là thành quả của công tác dân vận, bám dân, bám làng để đoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao phó”.

Không thể nói hết nghĩa tình của Xiêng Khoảng, của nhân dân các bộ tộc Lào trong việc giúp đỡ, hỗ trợ đoàn quy tập trên mỗi vùng đất đoàn đi qua. Những nắm xôi, những bó rau rừng các mẹ, các bố, các em gái Lào vượt rừng vào tận nơi “tiếp tế” cho các đội, các tổ công tác thực sự là nguồn động viên lớn lao của mỗi người lính sống đằng đẵng hàng tháng trời trong rừng sâu để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

Hoàng Lam