1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một “liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm lưu lạc

(Dân trí) - Sau hơn 40 năm lưu lạc trên nước bạn Lào, ông Lò Văn Cân (70 tuổi) đã may mắn được đoàn tụ cùng gia đình vào những năm tháng cuối đời. Gia đình ông ngập tràn niềm hạnh phúc của ngày hội ngộ.

Hơn 40 khát khao ngày trở về

Hơn một tháng qua, tin ông Lò Văn Cân trở về sau hơn 40 năm rời quê đi chiến đấu và lưu lạc tại nước bạn Lào đã lan ra khắp nơi. Căn nhà nhỏ của anh Lò Văn Thành (con trai thứ hai của ông Cân) ở thôn Chinh, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa lúc nào rộn rã tiếng cười nói của họ hàng và bà con đến hỏi thăm và chia vui cùng gia đình.

Hơn 40 năm trước, năm 1959, chàng thanh niên Lò Văn Cân đi làm cán bộ lâm nghiệp ở Lâm trường Cửa Đặt, huyện Thường Xuân. Năm 1962, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và tham gia vào Tiểu đoàn 923, làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào.

Một “liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm lưu lạc  - 1
Ông Lò Văn Cân hồi tưởng lại cuộc đời bôn ba của mình

Ông Cân nhớ lại, sau một thời gian tham gia chiến đấu tại nước bạn Lào, năm 1964 ông được đơn vị cử đi học sỹ quan ở Hà Bắc. Học xong lớp sỹ quan tại đây, ông trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu.

Năm 1968, trong một lần về phép 10 ngày thăm nhà, ông để lại cho người vợ giọt máu của mình, chính là anh Lò Văn Thành bây giờ. Đến năm 1969 ông về phép lần hai, chưa kịp nhìn mặt con thì đã ra đi biền biệt.

Theo lời ông Cân, năm 1969 trong một lần đơn vị ông bắn rơi một chiếc máy bay địch, khi ông cùng các đồng đội ra xem thì bất ngờ dẫm phải mìn của địch và bị địch bao vây. Bản thân ông bị thương cụt chân phải và mất liên lạc với đồng đội từ đó.

Bị thương nằm lại trong rừng, ông được ba cô gái người Lào phát hiện và đưa về cứu sống. Khi ông đã bình phục hẳn, dân làng ở bản Bạc Nhỏ, huyện Lào Am, tỉnh Xa La Văn (Lào) đã tổ chức đám cưới cho ông cùng cô gái tên Lít - người đã phát hiện và luôn ở bên chăm sóc trong những tháng ngày ông bị thương.

Thời gian trôi đi, vợ chồng ông có với nhau ba người con rồi người vợ bỏ bố con ông ra đi. Những năm tháng sống cảnh gà trống nuôi con tại Lào, tuy trí nhớ không còn minh mẫn nhưng ngày nào ông Cân cũng mang máng nhớ về quê hương và khát khao ngày trở về. Song hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại bị thương tật nên mong ước trở lại quê hương mãi chưa thành hiện thực.

Nhắc đến hai từ quê hương, ông Cân xúc động: “Nhớ quê lắm chú ơi, nhưng cuộc sống vất vả lắm không đi đâu được, chân tay thế này biết đi đâu mà hỏi được và cũng không biết hỏi ai. Bao nhiêu năm qua, ta chỉ mong sao gặp được người mình để hỏi đường về quê thôi”.

Người đồng hương tốt bụng

Một ngày tháng 5/2010, thấy có người đàn ông lạ đến xóm hỏi mua tóc, lại nói tiếng Việt, ông Cân lân la sang hỏi dò mới biết đó là người Việt Nam sang Lào đi buôn tóc. Niềm vui được gặp được người đồng hương sau mấy mươi năm xa quê khiến ông không khỏi bồi hồi.

Nghe câu chuyện của ông, vị khách lạ hứa khi trở về Việt Nam sẽ đi tìm gia đình báo tin giúp ông. Vị khách xưng là Phan Thế Hạnh, quê ở xóm 7, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Nghệ An.

Một “liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm lưu lạc  - 2
Bức ảnh chụp ông Cân thời còn trẻ giúp người con trai nhận ra bố

Giữ đúng lời hứa, anh Hạnh mang theo bức ảnh của ông Cân thời trẻ cùng những thông tin từ ông, lặn lội ra Thanh Hóa tìm đến huyện Thường Xuân và tìm được đến nhà anh Lò Văn Thành.

Anh Thành tâm sự: “Lúc nhìn thấy bức ảnh tôi cũng không nhận ra đó là bố mình, vì ngày bố đi tôi còn chưa sinh. Nhưng một số người họ hàng đã nhận ra ông cụ. Lúc đó tôi không biết phải diễn tả niềm vui của mình thế nào nữa. Đúng là anh Hạnh tốt bụng thật. Gia đình anh ấy cũng còn khó khăn lắm nhưng anh ấy vẫn nhiệt tình bỏ bao công sức tìm đến tận nơi để báo tin bố tôi còn sống thật không biết trả ơn anh ấy thế nào nữa”.

Sau khi hay tin bố còn sống, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Thành đã đi vận động những người trong họ hàng quên góp tiền để sang đưa bố về quê đoàn tụ cùng gia đình. Được sự giúp đỡ tận tình của anh Hạnh, bố con được gặp lại nhau, nhìn thấy mặt nhau sau hơn 40 năm xa cách.

Theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, anh Thành đã làm những thủ tục liên quan để ông Cân được nhập cảnh về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình.

Nước mắt ngày đoàn tụ

Ngày ra đi, ông chưa được nhìn thấy mặt con, ngày trở về đứa con giờ đã hơn 40 tuổi đầu. Cha con tuy không tỏ mặt nhau nhưng được gặp lại sau hơn 40 năm biền biệt, cả hai bố con cứ ôm chầm lấy nhau mà khóc suốt quãng đường về.

Anh Thành kể lại, sau ngày ông lên đường nhập ngũ, rồi hòa bình lập lại cũng không thấy ông trở về, gia đình đã đi dò hỏi khắp nơi nhưng cũng không có tin tức gì. Đến năm 1992 thì nhận được giấy báo tử của ông. Bao nhiêu năm ở nhà nuôi con chờ chồng, bà Huyên vợ ông đã khóc khô cả nước mắt. Đến năm 1994 bà mất mà không biết rằng người chồng bao nhiêu năm bà mong ngóng vẫn còn sống.

Anh Thành xúc động: “Dù không nhớ được khuôn mặt bố mình, nhưng khi nhìn thấy bức ảnh, những người họ hàng đã nhận ra đó chính là bố tôi. Khi gặp lại ông cụ tôi hạnh phúc lắm. Ông cụ đã chịu khổ quá nhiều rồi. Những năm tháng cuối đời, chúng tôi được chăm sóc cho bố là một niềm hạnh phúc lớn”.

Một “liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm lưu lạc  - 3
Anh em con cháu ông Cân hạnh phúc bên nhau trong ngày đoàn tụ

Hiện người con gái đầu ở Lào xa bố cũng khóc suốt và có nguyện vọng về Việt Nam sống cùng bố. Người con thứ hai cũng đã theo ông Cân về Việt Nam. Chỉ còn người con thứ ba ở Lào của ông đã sang Thái Lan làm ăn.

Trao đổi với Dân trí, ông Lò Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, nói: “Sau khi gia đình đưa được cụ về nhà, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở bởi, lâu nay ông cụ sống khổ rồi mà giờ trở về quê trong khi hoàn cảnh hiện tại của gia đình anh Thành cũng đang rất khó khăn. Chúng tôi cũng đã làm những thủ tục trình cấp trên xem xét đối với trường hợp ông cụ. Bản thân ông cụ vừa bị thương lại bị bệnh đái tháo đường nữa nên hoàn cảnh rất khó khăn”.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân cho biết: “Trường hợp ông Lò Văn Cân lâu nay gia đình được hưởng chế độ liệt sĩ, chúng tôi cũng đang yêu cầu xã báo cáo lên để trình huyện và có hướng đề xuất lên tỉnh để xem xét chế độ chính sách cho ông cụ sau này. Trước mắt ngày thương binh liệt sĩ thì ông cụ sẽ được hưởng những chế độ chính sách của Nhà nước”.

Duy Tuyên - Lê Văn